Ngày 17/6, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học vừa tiến hành nghiệm thu kết quả thực hiện Dự án “Xây dựng và vận hành tổ chức quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ tại Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long” thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015.
Dự án trên được thực hiện với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là trong lĩnh vực giống cây trồng, của Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhằm khuyến khích các hoạt động sáng tạo, bảo hộ và khai thác hiệu quả kết quả nghiên cứu trong sản xuất.
Viện lúa ĐBSCL đã chủ trì phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai và thống nhất về việc thực hiện các nội dung của Dự án gồm: tổ chức đánh giá, xây dựng và tổng kết mô hình, tổ chức hoạt động sở hữu trí tuệ; thực hiện dự án, triển khai xây dựng bộ máy và nhân sự, tổ chức xây dựng mô hình tại cho các viện nghiên cứu trong vùng. Viện cũng mời một số chuyên gia về SHTT của Cục SHTT phía Nam, Phòng SHTT thuộc Sở KH&CN thành phố Cần Thơ, cán bộ Cục Trồng trọt, Luật sư về SHTT, phòng SHTT Đại học Cần Thơ tham gia đóng góp và tư vấn mô hình SHTT tại Viện, tham gia giảng dạy, tập huấn các vấn đề liên quan đến SHTT.
TS. Trần Thị Kiều Trang, Chủ nhiệm Dự án cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện, Dự án đã tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học để hỗ trợ, tranh thủ tư vấn về chuyên môn, nâng cao nhận thức cho bộ phận chuyên trách và đối tượng hưởng lợi; lập kế hoạch đào tạo (ngắn và dài hạn) và tập huấn cho các cán bộ chuyên trách và các đối tượng liên quan đến công tác SHTT bằng nguồn kinh phí từ Dự án và các chương trình dự án khác của Viện.
Cũng theo TS. Trần Thị Kiều Trang, căn cứ vào các văn bản đã ban hành, khi thực hiện Dự án, Viện lúa ĐBSCL đã xây dựng 06 quy trình nhằm cụ thể hoá các bước trong hoạt động nghiên cứu và thương mại hoá sản phẩm như: đề xuất đề tài/dự án các cấp; xác định danh mục nghiên cứu khoa học; triển khai, quản lý tiến độ thực hiện và đánh giá kết quả các nhiệm vụ KH&CN; nghiệm thu, công nhận kết quả và cấp giấy xác nhận hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu; xác định, đánh giá tiềm năng sản phẩm của đề tài/dự án được sử dụng (đăng ký công nhận công trình khoa học) và xác lập quyền SHTT tại đơn vị quản lý khoa học trực thuộc viện (đăng ký bảo hộ giống cây trồng, chế phẩm nông nghiệp…); quy trình quản lý hoạt động KH&CN và SHTT trong Viện từ giai đoạn đề xuất nhiệm vụ đến khai thác thương mại hoá sản phẩm.
Qua thực hiện Dự án, Viện lúa ĐBSCL có khả năng tư vấn, theo dõi, quản lý và vận hành hoạt động SHTT. Các phòng chức năng có hệ thống phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận nghiên cứu/phòng chức năng về hoạt động quản lý SHTT tại Viện. Đối với cán bộ nghiên cứu, bước đầu đã tiếp cận với các khái niệm về SHTT, các hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến quyền SHTT.
Tại buổi nghiệm thu, các nhà khoa học đánh giá đây là một Dự án mới, chưa có tiền lệ thực hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, tập thể các nhà quản lý và khoa học ở Viện lúa ĐBSCL với sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học và của Cục SHTT đã nỗ lực rất lớn để vừa nghiên cứu, học tập, từng bước hoàn thiện Dự án.
Các thành viên trong Hội đồng đã đánh giá cao việc tổ thực hiện Dự án này. Đây là Dự án mới, rất khó không chỉ đối với Viện mà còn đối với các tổ chức nghiên cứu KH&CN khác. Để nâng cao hơn nữa chất lượng của Dự án, Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Chủ nhiệm Dự án chỉnh sửa một số nội dung đã được góp ý để Viện sử dụng Dự án này và là địa chỉ để các nơi khác học tập, nhân rộng.
Tin, ảnh: Bùi Hiếu