Là một nước có nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh nhưng sản phẩm có thương hiệu trên thị trường quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hơn bao giờ hết, để khai thác cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mang lại, vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt cần tiếp tục được tính đến với những giải pháp căn cơ hơn. PV đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia thương mại, PGS.TS. Phạm Tất Thắng về vấn đề này.
Khoảng 15% thương hiệu được đăng ký bảo hộ
- Xây dựng thương hiệu không là vấn đề mới, theo ông điều này đang được thực hiện ở quy mô, mức độ như thế nào?
Không chỉ tập trung xây dựng thương hiệu nông sản tại thị trường nước ngoài, chúng ta cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam ngay tại thị trường nội địa để đưa vào hệ thống phân phối hiện đại và phát triển mạnh. Nếu không làm được điều này chúng ta sẽ thua ngay ở thị trường trong nước. Nông dân và doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức, cạnh tranh mạnh mẽ từ hàng nông sản nhập khẩu, hàng nông sản nội chỉ còn chỗ đứng ở vỉa hè như nhiều ý kiến nhận định. Điều này cần phải có bước đi bài bản, sự phối hợp nhiều ngành, nhiều cấp mới thực sự mang lại hiệu quả.
Chuyên gia thương mại, PGS.TS. Phạm Tất Thắng
|
- Đây không phải là vấn đề mới nhưng trên thực tế xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam vẫn nói nhiều hơn làm. Kết quả thực tế vẫn chưa như mong muốn. Tình trạng hàng nông sản Việt Nam không có thương hiệu hay ẩn dưới thương hiệu khác là phổ biến. Thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp cho thấy, hiện mới chỉ có khoảng 15% trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Tương tự, ở trong nước, cũng có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu.
- Bởi chưa có tên tuổi nên nhiều loại nông sản thiếu sức cạnh tranh khi ra thị trường lớn và nhanh chóng bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Ông nghĩ gì về thực tế này?
- Đây là thực tế đáng buồn việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt vẫn còn ít, chưa chú ý nhiều như doanh nghiệp nước ngoài. Phần lớn các thương hiệu nổi danh trên thị trường quốc tế chưa có nhiều hàng màn thương hiệu Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản. 40 thương hiệu nổi danh của Việt Nam chủ yếu ở các lĩnh vực như chế biến, bất động sản, dịch vụ, chứ chưa có nông sản. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có những bước triển khai như xây dựng đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, nhưng dường như rất nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp xuất khẩu gạo lại không biết đến đề án này. Điều đó cho thấy, việc tìm hướng đi cho xây dựng thương hiệu của hàng nông sản Việt và các bước triển khai chưa được thực hiện thống nhất giữa các ngành, các cấp để tập trung xây dựng thương hiệu.
- Nguyên nhân đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng vì sao chậm được khắc phục, thưa ông?
- Nhiều nông sản xuất khẩu luôn đứng thứ nhất, thứ nhì thế giới, nhưng khi nước ngoài nhập khẩu, chế biến đã đóng bao bì và bán dưới tên thương hiệu khác. Trong khi đó, nhìn vào sự tham gia thị trường xuất khẩu gạo của Campuchia, tuy xuất khẩu rất muộn, sau chúng ta, nhưng cho đến nay là nhà xuất khẩu thứ 5 thế giới và thương hiệu gạo Campuchia đã được biết đến trên thị trường thế giới. Điều này do sự khác biệt trong cách làm thương hiệu giữa chúng ta với các nước khác. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là chúng ta chưa thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, manh mún từ trong cách làm thương hiệu, cách quản lý, sản xuất những mặt hàng nông sản này.
Cần hành động thiết thực và cụ thể
- Để nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản, việc lựa chọn một số mặt hàng có thế mạnh để xây dựng thương hiệu, đáp ứng yêu cầu về khối lượng, chất lượng đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm, với giá bán cạnh tranh. Quan điểm của ông như thế nào?
- Đây là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp tập trung cho việc xây dựng thương hiệu như một số đơn vị đã tập trung xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Thụy Sĩ, Nhật Bản. Nhiều doanh nghiệp như Cafe Trung Nguyên đã xây dựng tốt thương hiệu trên thị trường và cũng đã lấy lại thương hiệu khi bị xâm phạm tại Hoa Kỳ. Thời gian tới, cần chọn một số mặt hàng có thế mạnh hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, nông dân đã quen với kỹ thuật sản xuất để xây dựng thương hiệu như gạo, vải thiều Bắc Giang, thanh long Bình Thuận, bưởi Năm Roi… Gần đây nhiều mặt hàng nông sản đã xuất khẩu được sang thị trường khó tính, đấy là dấu hiệu tốt, thúc đẩy chúng ta có những hành động thiết thực và cụ thể hơn.
- Vậy cần có những giải pháp căn cơ thế nào để xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản xuất khẩu, thưa ông?
- Trước hết, cần có sự điều chỉnh một số quy định để có thể tập trung xây dựng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, thực hiện việc tập trung ruộng đất. Đơn cử như ở đồng bằng sông Cửu Long hiện có đến 40.000 hộ sản xuất lúa thì khó để xây dựng thương hiệu. Đây là điều cần làm ngay để có thể đưa sản xuất nông nghiệp của chúng ta thành sản xuất lớn. Thứ hai, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp, tập đoàn, doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính, khoa học kỹ thuật; cần có lực lượng hạt nhân đủ năng lực để xây dựng thương hiệu và khi bị xâm phạm đủ khả năng bảo vệ thương hiệu đó. Cần tiến hành theo lộ trình, làm từng bước, từng mặt hàng, từng thị trường một cách thích hợp.
- Chúng ta học hỏi kinh nghiệm gì từ việc xây dựng thương hiệu gạo của Campuchia, thưa ông?
- Kinh nghiệm lớn nhất từ Campuchia đó là triệt tiêu những cạnh tranh không đáng có trong nội bộ các doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ hai là vai trò hỗ trợ của Nhà nước ở mức cao nhất để xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Thứ ba, họ đã tìm ra những điểm đặc trưng của họ so với gạo Thái Lan, gạo Ấn Độ. Tuy chúng ta đang đi tìm loại gạo phù hợp để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia, nhưng loại gạo đó liệu có phù hợp với người tiêu dùng? Có thể thấy, người Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan thích ăn gạo dẻo; người châu Âu, Trung Đông thích ăn gạo xốp và rời còn người châu Phi lại không có yêu cầu đặc biệt. Do vậy, xây dựng thương hiệu nông sản không thể theo kiểu tìm ra một loại giống, sản phẩm để trao thương hiệu quốc gia, mà cần căn cứ vào nhu cầu thế giới để có thể sản xuất ra hàng hóa mang thương hiệu Việt ở nhiều cấp độ phù hợp với thị trường thế giới. Đó mới là cách xây dựng thương hiệu Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!