Với chủ đề "Khuyến khích sáng tạo và đổi mới”, kỳ họp lần thứ 49 của Đại hội đồng các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) diễn ra trong các ngày từ 26/9 - 5/10 tại Geneve, Thụy Sĩ.
Hội nghị thu hút sự tham gia của hàng nghìn đại biểu đến từ 184 quốc gia thành viên. Đoàn Việt Nam do ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu.
Tại phiên toàn thể, đoàn Việt Nam đã phát biểu nhấn mạnh rằng SHTT là công cụ quan trọng giúp khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tạo động lực chính cho phát triển. Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với WIPO và các quốc gia thành viên trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nhằm đối phó với các thách thức mà WIPO đang và sẽ phải đối mặt
Bên lề Hội nghị, đoàn Việt Nam đã có một số cuộc họp với các đối tác song phương quan trọng như Cục Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cục Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Viện Sở hữu trí tuệ quốc gia Pháp (INPI).
Tại cuộc họp với USPTO, hai bên đã ký kết Thỏa thuận hợp tác song phương trong giai đoạn tới. Đây là văn kiện hợp tác đầu tiên được ký kết giữa hai Cơ quan, đánh dấu mức độ hợp tác cao hơn giữa hai nước trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ.
Cuộc họp với JPO cũng mang nhiều kết quả. Hai bên đã đồng ý về nguyên tắc sẽ ký kết một Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa hai Cơ quan để tương xứng với mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Nhật Bản và mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu và rộng giữa hai quốc gia. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam triển khai một số dự án trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ. Cuộc họp đã mở ra một trang hợp tác mới giữa hai cơ quan.
Tại cuộc họp với INPI, hai bên cũng đã đồng ý về nguyên tắc sẽ ký kết một Thỏa thuận hợp tác song phương trên bốn lĩnh vực ưu tiên. Đây cũng là bước đầu khôi phục lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai Cơ quan sau một thời gian gián đoạn.
Cũng tại Kỳ họp Đại hội đồng WIPO 2011, Việt Nam tiếp tục được bầu vào Ủy ban Điều phối của WIPO nhiệm kỳ 2012-2013.
Kỳ họp Đại hội đồng WIPO 2011 đã thông qua các báo cáo của các Ủy ban, Hội đồng của WIPO như Ủy ban Sở hữu trí tuệ và phát triển (CDIP), Ủy ban thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR), Ủy ban liên chính phủ về Sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian (IGC), Ủy ban thường trực về luật sáng chế (SCP), Ủy ban thường trực về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và chỉ dẫn địa lý (SCT), Ủy ban thường trực về công nghệ thông tin (SCIT), Ủy ban tư vấn về thực thi (ACE), Hội đồng Liên minh PCT, Hội đồng Liên minh Madrid; bầu các nước các vào Ủy ban điều phối (Coordination Committee) và Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách (PBC) của WIPO; và rà soát báo cáo của WIPO về các hoạt động của Tổ chức từ kỳ họp Đại hội đồng lần trước. |
Mai mai (Theo Cục SHTT)