Trong các ngày 2 và 3 tháng 2 năm 2011, tại Paris (Pháp) đã diễn ra Hội nghị toàn cầu lần thứ 6 về chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với sự tham gia của gần 900 đại biểu đến từ trên 100 quốc gia.
Hội nghị quan trọng này do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Tổ chức Hải quan thế giới WCO và Tổ chức cảnh sát quốc tế INTERPOL phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân dẫn đầu đã tham dự Hội nghị và trực tiếp tham luận tại Diễn đàn có chủ đề “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - Hỗ trợ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ”, một diễn đàn được nhiều công ty đa quốc gia quan tâm.
Thứ trưởng Nguyễn Quân trả lời phỏng vấn về nội dung quan trọng của Hội nghị này.
-Liệu các công ty đa quốc gia có đầu tư nhiều hơn vào chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibility - CRS) nếu Chính phủ bảo đảm bảo hộ quyền SHTT hiệu quả hơn?
- Thứ trưởng Nguyễn Quân: Chính phủ Việt Nam luôn ý thức sâu sắc về thực thi đầy đủ và hiệu quả việc bảo hộ quyền SHTT trong phát triển kinh tế xã hội, và để làm tốt công việc này cần có sự cố gắng chung và sự phối hợp tốt của Chính phủ và các doanh nghiệp, kể cả các công ty đa quốc gia, trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Theo chúng tôi thì các công ty đa quốc gia ở Việt Nam (như Unilever, Nike, Glaxo Smith Kline, Procter & Gamble…) đều triển khai chương trình CRS tại Việt Nam, thậm chí coi đó là một thành phần trong hoạt động của mình. Tuy nhiên mức độ triển khai các hoạt động này phụ thuộc vào điều kiện, tiêu chí của từng công ty theo từng giai đoạn.
Trong phạm vi bảo hộ quyền SHTT, các cơ quan chức năng của VN đã cố gắng thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ tài sản trí tuệ của các Công ty, qua đó các công ty cũng có điều kiện thuận lợi để triển khai chính sách CRS của mình.
Nhằm tăng cường vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong hoạt động bảo vệ quyền SHTT (đặc biệt là các công ty đa quốc gia chủ sở hữu của nhiều nhãn hiệu nổi tiếng), ngay từ năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã cho phép thành lập Hiệp hội chống hàng giả và bảo hộ quyền SHTT của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (viết tắt là VACIP), bao gồm nhiều thành viên là các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới như Unilever, Nike, Glaxo Smith Kline, Procter & Gamble, Honda…
Hiệp hội đã góp phần quan trọng bảo vệ quyền SHTT của các thành viên, phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý vi phạm về SHTT và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
- Liệu có mối liên quan nào giữa việc cải thiện khung khổ pháp lý về thực thi quyền SHTT với đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI?
- Chắc chắn là hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài với trên 8800 dự án đầu tư nước ngoài FDI được cấp phép với số vốn đăng ký lên tới 124 tỷ USD. Đóng góp vào thành công đó có nhân tố quan trọng là ban hành khung khổ pháp lý và thực thi bảo hộ quyền SHTT.
Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và sửa đổi bổ sung năm 2009, sửa đổi và bổ sung nhiều nội dung liên quan đến bảo hộ quyền SHTT trong Luật Hải quan, Bộ Luật hình sự, ban hành nhiều văn bản cấp Chính phủ và cấp bộ về thực thi quyền SHTT, tăng cường hợp tác song phương và đa phương về SHTT nhằm khuyến khích đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, như Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản, Dự án Việt Nam-Thụy sỹ, Chương trình hợp tác EC-ASEAN (ECAP)…
- Ông đánh giá thế nào về ảnh hưởng tiêu cực của hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền đối với GDP của quốc gia? Liệu có thể giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực đó bằng cách áp dụng các biện pháp thực thi SHTT có hiệu quả?
- Tôi cho rằng các hành vi vi phạm quyền SHTT có ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, làm thất thu ngân sách nhà nước, làm mất thị trường và lợi nhuận của các doanh nghiệp chân chính. Đối với vấn đề chống hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Một ví dụ rõ ràng nhất về quyết tâm của Chính phủ là việc thành lập Ban chỉ đạo 127 Trung ương về chống hàng giả, buôn lậu và gian lận thương mại theo Quyết định số 127/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công thương làm trưởng ban và thành viên gồm lãnh đạo của các bộ Công an, Tài chính, Khoa học và Công nghệ....
Có thể nói các hành vi xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam được coi là có tác hại như gian lận thương mại và buôn lậu, và phải bị xử lý nghiêm bằng cả 3 chế tài: dân sự, hình sự và hành chính. Hàng năm Ban chỉ đạo 127 đều tổ chức hội nghị kiểm điểm hoạt động và trao đổi kinh nghiệm giữa các lực lượng thực thi: công an kinh tế, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra Khoa học và Công nghệ, nhờ đó đã hạn chế được tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả và xâm phạm quyền SHTT, được cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các Công ty đa quốc gia như Unilever, Honda… đánh giá cao.
Ví dụ trong hai năm 2009-2010, nhờ sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng và Công ty HONDA Việt Nam, đã có 25 vụ vi phạm nhãn hiệu và 64 vụ vi phạm về thiết kế liên quan đến sản phẩm của HONDA đã được xử lý, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp này.
- Theo ông, Chính phủ có nên nghiêng về việc triển khai các biện pháp bảo hộ quyền SHTT đối với các doanh nghiệp làm tốt chính sách về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp?
- Chính phủ Việt Nam không căn cứ vào chính sách trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CRS) của doanh nghiệp để thực hiện bảo hộ quyền SHTT. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp có chính sách CRS tốt, được xã hội chấp nhận, thì đương nhiên tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đó sẽ có uy tín trong xã hội và được người tiêu dùng biết đến và tín nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp bảo vệ được tài sản trí tuệ của mình.
Để hỗ trợ chung cho cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để tăng cường năng lực thực thi quyền SHTT, nâng cao hiệu quả của các chế tài và năng lực của các lực lượng thực thi.
Ví dụ, về chế tài dân sự, pháp luật VN đã bổ sung các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời cũng như quy định về đền bù thiệt hại. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nghiên cứu các điều kiện thiết lập tòa án chuyên trách về SHTT, mời một số chuyên gia có kinh nghiệm của nước ngoài để tư vấn cho vấn đề này, gửi một số đoàn cán bộ ngành tòa án sang Thái Lan tham khảo kinh nghiệm hoạt động của tòa án về SHTT.
Về chế tài hình sự, chúng ta đã sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự phù hợp với quy định của Hiệp định TRIP’S, quy định một số hành vi xâm phạm về SHTT có thể bị xử lý hình sự với mức phạt nghiêm khắc từ phạt hành chính đến phạt tù. Về chế tài hành chính, VN là một trong số ít quốc gia tích cực sử dụng biện pháp hành chính trong thực thi bảo hộ quyền SHTT, trong 10 năm qua chúng ta đã xử lý hành chính hơn 100.000 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 120 tỷ đồng.
Đồng thời chúng ta cũng tăng cường các hoạt động khác nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm quyền, như tuyên truyền, đào tạo, đảm bảo thông tin về sở hữu công nghiệp, thành lập các đơn vị chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT trong các cơ quan thực thi như công an, hải quan, quản lý thị trường, thanh tra… Điển hình là Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (thường gọi là Chương trình 68) đã giúp nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về bảo vệ quyền SHTT.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng.
Mai Hà (Baodatviet)