1 triệu văn bằng sáng chế, trên 10 triệu văn bằng khác là nguồn tài sản trí tuệ to lớn mà các nhà khoa học và doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng, khai thác phục vụ nghiên cứu, sản xuất kinh doanh.
Số liệu thống kê được đưa ra tại hội nghị thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2001-2010”, đánh giá kết quả hoạt động khoa học và công nghệ 2006-2010 và định hướng nhiệm vụ 2011-2015.
Sau khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành số lượng các sáng chế được đăng ký bảo hộ tăng 30%, giai đoạn 2006-2008 là 1015 trong đó từ 2003-2005 là 722. Chủ đơn là cá nhân, tổ chức Việt Nam đã tăng gấp 4-5 lần so với năm 2005 (trước thời điểm Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành). Giai đoạn 2006-2010, số đơn đăng ký về sở hữu trí tuệ tăng 4,2 lần, số văn bằng được cấp tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2001-2005.
Việc thực thi pháp luật và tăng cường năng lực của cơ quan xác lập quyền đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu quả của công tác sở hữu trí tuệ. Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp sau 5 năm triển khai thực hiện đã và đang được các địa phương quan tâm đặc biệt và ngày càng thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Kết quả là nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp. Sự quan tâm của địa phương và doanh nghiệp góp phần thực hiện thành công chính sách “tam nông” của Đảng và Nhà nước. Đã có 53 đặc sản nổi tiếng trong đó 37 sản phẩm nông, lâm, hải sản, 11 sản phẩm thủ công, làng nghề, 4 sản phẩm thủy sản và 1 dịch vụ của 42 địa phương đã và đang được hỗ trợ xác lập, quản lý và phát triển như bưởi Đoan Hùng, nho Ninh Thuận, cafe Buôn Mê Thuột, cói Nga Sơn, nón Huế, hoa Đà Lạt. Ngoài ra là phát triển các nhãn hiệu của tập thể như chè Thái Nguyên, hồ tiêu Chư Sê, tỏi Lý Sơn…