Thời gian qua, đa phần các tài sản trí tuệ hình thành từ ngân sách nhà nước mà cụ thể là các đề tài nghiên cứu khoa học đều nằm ở “ngăn kéo” bởi thiếu cơ sở pháp lý và cơ chế trong việc chuyển giao các tài sản trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thị trường. Theo các chuyên gia, bên cạnh việc lấp đầy những khoảng trống pháp lý liên quan, cần phải tăng cường các tổ chức dịch vụ định giá tài sản trí tuệ nhằm thực hiện thành công quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, các tài sản trí tuệ.
Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ năm 2005 song các văn bản hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước sau 8 năm vẫn chưa có. Sự chậm trễ này đã làm cho thị trường tài sản trí tuệ không có đủ điều kiện để phát triển, đồng thời, các tổ chức, dịch vụ định giá tài sản trí tuệ cũng chưa thực sự phát triển. Đa phần các doanh nghiệp trong nước mới chỉ chú trọng đến đăng ký để bảo vệ giá trị tài sản của mình chứ chưa chú trọng đến khai thác thương mại một cách có hiệu quả các tài sản trí tuệ của mình. Đối với các tài sản trí tuệ hình sử dụng ngân sách nhà nước, bấy lâu vẫn tiếp tục nằm im trong các ngăn kéo mà không thể thương mại hóa.
Mới đây, QH đã ban hành Luật Khoa học và Công nghệ trong đó có các điều khoản quy định việc giao quyền sở hữu, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cho tổ chức chủ trì và các tổ chức khác, đồng thời quy định cụ thể việc phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Đây được coi là bước đột phá về cơ sở pháp lý để thúc đẩy việc thương mại hóa các tài sản trí tuệ. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì xây dựng Thông tư hướng dẫn định giá tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước. Theo Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ Phạm Hồng Quất, Thông tư này khi ra đời sẽ là chìa khóa tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trong việc định giá tài sản trí tuệ thuộc sở hữu nhà nước của các viện, trường để đưa vào thương mại, để chuyển giao cho doanh nghiệp, để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hoặc là liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư vào thương mại hóa, sản phẩm hóa. Các văn bản hướng dẫn thi hành sẽ bảo đảm cho việc định giá tài sản trí tuệ một cách bài bản, thống nhất, tránh việc thất thoát tài sản nhà nước, đồng thời giúp các nhà khoa học có được những khai thác về mặt lợi ích, lợi nhuận từ những kết quả do mình tạo ra.
Cơ sở pháp lý và các phương pháp định giá tài sản trí tuệ đã và đang được xây dựng và dự kiến sẽ ban hành ngay khi Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực vào đầu năm 2014. Khi cơ sở pháp lý đã có, để nguồn cung và cầu của tài sản trí tuệ có thể gặp nhau, thị trường cần những tổ chức cung cấp dịch vụ định giá tài sản trí tuệ chuyên nghiệp giúp người có thẩm quyền có thể định giá một cách hợp lý, chính xác. Vấn đề đặt ra là hiện nay, cả nước hiện mới có vài ba đơn vị làm được công việc tư vấn xác định giá trị tài sản trí tuệ. Phó cục trưởng Phạm Hồng Quất trăn trở, hiện các văn phòng sở hữu trí tuệ hay các văn phòng, các trung tâm về chuyển giao công nghệ đang mới được manh nha thành lập tại các trường lớn, chưa thành một hệ thống và các văn phòng này cũng chưa hội đủ năng lực để hội nhập quốc tế. Hiện trên thế giới có hiệp hội về các văn phòng về chuyển giao công nghệ với số thành viên là hơn 250 trường đại học lớn. Đây là sân sau của các trường, tạo ra giá trị tài sản khổng lồ và đồng thời nắm trong tay nhiều doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa tham gia tổ chức này. Hy vọng, với cú hích pháp lý mới, Việt Nam có thể sớm tham gia các sân chơi này.
Nguồn: khoahoc.com.vn
Theo các chuyên gia, để hình thành các tổ chức dịch vụ định giá tài sản trí tuệ chuyên nghiệp trong thị trường khoa học công nghệ nước nhà, Nhà nước cần có các cơ chế hỗ trợ cũng như sớm hoàn thiện các quy định, hướng dẫn liên quan. Có chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ định giá tài sản trí tuệ hiện có nâng cao năng lực nhân lực cũng như cập nhật các phương pháp định giá hiện đại, hiệu quả của quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, có chính sách ưu đãi để các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ định giá tài sản trí tuệ quốc tế tham gia vào thị trường trong nước. Mặt khác, có thể sử dụng một số đơn vị sự nghiệp của Bộ Khoa học Công nghệ như Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ cũng như các đơn vị tương tự ở các bộ, ngành khác nhằm giúp đỡ hệ thống quản lý tài sản trí tuệ nhà nước.
Phó cục trưởng Phạm Hồng Quất cho biết, hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai một số chương trình quốc gia hỗ trợ để hình thành và nâng cao năng lực các tổ chức dịch vụ trong thị trường khoa học công nghệ. Chẳng hạn, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ với mục đích giúp hình thành các văn phòng sở hữu trí tuệ tại các viện, các trường. Hay chương trình phát triển thị trường công nghệ giúp cho việc hình thành hệ thống các văn phòng hay các trung tâm về chuyển giao công nghệ, đó sẽ là nơi tư vấn tốt nhất về thị trường, về đàm phán và về định giá tài sản trí tuệ trong thời gian tới. Với những thay đổi quan trọng về mặt pháp lý đối với tài sản trí tuệ sử dụng vốn ngân sách cũng như cách thức tổ chức thực hiện, hy vọng sẽ tạo ra một bước đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học của đất nước. Các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ giàu có lên nhờ việc được giao cho mình sở hữu và chuyển giao những tài sản do chính mình tạo ra. Đồng thời, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp khoa học công nghệ; doanh nghiệp khởi nguồn, khởi nghiệp; các doanh nghiệp vừa và nhỏ và bản thân các nhà khoa học say mê nghiên cứu, sáng tạo.