Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 23/11/2024 , 06:58 pm
Cập nhật : 17/03/2021 , 09:03(GMT +7)
Vải thiều Lục Ngạn - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Vải thiều Lục Ngạn - sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản
Ngày 12/3/2021, Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với vải thiều huyện Lục Ngạn, Bắc Giang của Việt Nam.

Như vậy, sau gần hai năm nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ ba chỉ dẫn địa lý của Việt Nam (vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận, cà phê Buôn Ma Thuột) tại Nhật Bản, đến nay, vải thiều Lục Ngạn là sản phẩm đầu tiên trong ba sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. 

Đây là một dấu mốc quan trọng trong quá trình đưa vải thiều vào Nhật Bản cũng như mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các nông sản Việt khác tại thị trường khó tính này.

Trước đó, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam vào năm 2008 (Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00015 được cấp theo Quyết định số 1012/QĐ-SHTT ngày 25/06/2008 của Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ), và cũng được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020.

Với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, từ nay, quả vải thiều Lục Ngạn được gắn chỉ dẫn địa lý “vải thiều Lục Ngạn” lên các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, giá trị gia tăng của sản phẩm sẽ cao hơn, cơ hội được người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn cao hơn. 

Danh tiếng của vải thiều Lục Ngạn được thị trường Nhật Bản biết đến là cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ ở nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác trên thế giới. Được pháp luật Nhật Bản bảo hộ khi sử dụng chỉ dẫn địa lý này ở Nhật Bản, sản phẩm sẽ không bị các bên khác yêu cầu dừng sử dụng nhãn hiệu, ngăn cấm các bên sử dụng chỉ dẫn địa lý này cho các sản phẩm trùng, tương tự hoặc liên quan… Tuy vậy, dù đã được Nhật Bản bảo hộ chỉ dẫn địa lý thì việc xuất khẩu vào Nhật Bản còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ chấp nhận của thị trường, và việc chúng ta đáp ứng các quy định rất khắt khe, nhất là về an toàn thực phẩm của Nhật Bản.

Quá trình đăng ký bảo hộ tại Nhật Bản bắt đầu từ việc xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm với sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan, chính quyền địa phương. Sau một quá trình lựa chọn và chuẩn bị hồ sơ, ngày 03/6/2019, Nhật Bản đã ghi nhận hồ sơ đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, vải thiều Lục Ngạn, thanh long Bình Thuận với số đơn lần lượt là 212, 213, 214. Trong quá trình thẩm định, Cục Công nghiệp thực phẩm Nhật Bản đã thành lập 03 đoàn khảo sát chỉ dẫn địa lý tại Bắc Giang, Bình Thuận, Đắk Lắk. 

Quá trình này kéo dài gần 2 năm do gặp rất nhiều khó khăn, liên quan đến quy định của từng quốc gia; khả năng vận hành của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; tài chính và các nguồn lực khác liên quan tới quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu từ phía Nhật Bản.  

Qua quá trình đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thấy việc đăng ký bảo hộ vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản cần được phổ biến cho các địa phương để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản không những tại Nhật Bản mà còn ở nhiều quốc gia có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe khác trên thế giới.

Tin: Đăng Minh

Ảnh: Internet


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner