Ươm tạo doanh nghiệp cần được coi là một công cụ để phát triển kinh tế xã hội
Doanh nghiệp được ươm tạo tại Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ là bệ phóng để hình thành những doanh nghiệp công nghệ cao,... Ở nước ta, hoạt động này đã hình thành và đang có những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, các vườn ươm hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có nhiều vấn đề cần được giải quyết từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như từ cách thức hoạt động của các vườn ươm để tạo sức hút thực sự với các doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN).
Vườn ươm: Nơi hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh
Hiện Việt Nam hiện có 47 cơ sở ươm tạo công nghệ. Nhìn chung, các vườn ươm đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ về số lượng doanh nghiệp KH&CN được ươm tạo, ví dụ: Vườn ươm doanh nghiệp CRC-TOPIC: 22 doanh nghiệp; Trung tâm ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ cao (HBI): 4 doanh nghiệp và hỗ trợ trên 20 doanh nghiệp KH&CN ngoài vườn ươm; Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI): 10 doanh nghiệp; Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao Hoà Lạc: 25 doanh nghiệp và đã tập trung được vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng như: công nghệ thông tin truyền thông; công nghệ sinh học; tự động hoá, vi điện tử; vật liệu mới;…
Ngoài ra, còn một số trung tâm ươm tạo mới hình thành như Vườn ươm công nghệ FPT, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ Tinh Vân, Vườn ươm Phú Thọ, Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội,… Trung tâm SBI, một trong số các vườn ươm đang hoạt động hiệu quả đã có doanh số tăng nhanh từ gần 350 triệu đồng năm 2008 lên hơn 2 tỷ đồng năm 2012. Một số sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp thuộc SBI đang được đánh giá cao như: phần mềm quản lý ô tô, phần mềm Smart-SMS, phần mềm E-branding, E-learning, phần mềm quản lý chuỗi shop thời trang,…
Tuy nhiên, hầu hết các vườn ươm của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển với thời gian hoạt động chỉ mới từ 1 - 5 năm. Hiện còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết từ phía cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng như từ cách thức hoạt động của các vườn ươm để tạo sức hút thực sự đối với các doanh nghiệp KH&CN.
Cần cơ sở pháp lý đầy đủ để hoạt động
Trong đợt khảo sát vườn ươm của đoàn công tác Bộ KH&CN mới đây, lãnh đạo các vườn ươm đều chia sẻ hiện đang gặp khó khăn về thiết lập, kết nối với các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; sự gắn kết chưa chặt chẽ giữa cơ quan nghiên cứu, trường/viện và doanh nghiệp; các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ có tiềm lực yếu, công nghệ lạc hậu; trình độ quản lý vườn ươm còn hạn chế; thiếu cán bộ chuyên trách về ươm tạo; mối liên hệ với cộng đồng doanh nhân chưa tốt;…
Chia sẻ bài học thành công, Giám đốc Trung tâm SBI Lê Văn Hiếu cho biết, doanh nghiệp của Trung tâm có thể đưa ra từ 1-5 sản phẩm trong vòng 3 - 5 năm. Nhà nước đầu tư 1 đồng sẽ thu được 1,9 đồng từ khu vực tư nhân và 0,6 đồng từ nước ngoài. Việc quản lý, điều hành theo mô hình công - tư như tại SBI có nhiều thuận lợi, rõ ràng. SBI luôn quan tâm, dành nhiều kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Đồng thời, SBI nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Công viên Phần mềm Quang Trung, Bộ KH&CN,… Để thành công, cần có chính sách hỗ trợ lâu dài cho hoạt động ươm tạo và coi hoạt động này như một công cụ để phát triển kinh tế xã hội, ông Hiếu nhấn mạnh.
Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ - Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM Mai Thanh Phong kiến nghị, cần có chính sách quy định khi doanh nghiệp được ươm tạo thành công sẽ có trách nhiệm trích một phần doanh thu để hỗ trợ duy trì hoạt động của vườn ươm; có chính sách thu hút các nguồn tài trợ từ khu vực tư nhân; chính sách tốt nghiệp vườn ươm và các chương trình sau ươm tạo; nâng cao nhận thức cộng đồng về ươm tạo công nghệ, doanh nghiệp KH&CN; mở rộng mạng lưới liên kết với các vườn ươm, viện, trường, chuyên gia, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Hải An, Giám đốc Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho rằng, cần có cơ chế giám sát, chính sách đánh giá hiệu quả vườn ươm, không nên đặt nặng quá chuyện đóng góp về kinh tế, có thể xét đến phương diện đóng góp về mặt xã hội như tạo công ăn việc làm, hình thành nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đó; khẳng định được vai trò của Nhà nước, đặc biệt giai đoạn đầu khởi nghiệp;…
Vai trò của doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp KH&CN đã được nhấn mạnh trong các văn kiện quan trọng của Đảng. Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển KH&CN cũng đã chỉ rõ cần "Phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Hình thành các tập thể nghiên cứu đáp ứng yêu cầu giải quyết các nhiệm vụ trọng điểm quốc gia…".
Để hiện thực hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và phát triển mạnh mẽ các vườn ươm, hướng đến mục tiêu hình thành 5.000 doanh nghiệp KH&CN vào năm 2020, chắc chắn phải giải quyết những vấn đề còn là rào cản, trong đó có cơ chế, chính sách cụ thể phát triển các vườn ươm. Đồng thời, cần có chiến lược đầu tư phát triển hợp lý đối với các doanh nghiệp KH&CN được ươm tạo và "ra lò" từ các vườn ươm hiện nay.