Trong bối cảnh hiện nay, Viện Ứng dụng Công nghệ (Viện) với vai trò là một trong những tổ chức ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam cần quan tâm đến xu hướng mới, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, bám sát theo định hướng lớn của đất nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hoàng Minh đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Viện Ứng dụng Công nghệ diễn ra ngày 24/12/2024 tại Hà Nội.
Bắt nhịp cơ chế thị trường
Tại Hội nghị, ông Giang Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ đã báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Viện. Báo cáo nhấn mạnh, năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng, là năm nhìn lại chặng đường gần nửa thế kỷ xây dựng và phát triển Viện, trong suốt 40 năm qua, nhiều thế hệ cán bộ, viên chức trong Viện đã trở thành các nhà khoa học không những trưởng thành trong công tác nghiên cứu, làm chủ được một số công nghệ cao, công nghệ mới mà còn từng bước bắt nhịp được với cơ chế thị trường, tạo ra các sản phẩm độc đáo, có tính ứng dụng, góp phần vào hình thành một số ngành mới ở nước ta. Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN và sự nỗ lực chung của toàn thể cán bộ, viên chức, Viện Ứng dụng Công nghệ đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đạt được nhiều thành tích trong nghiên cứu ứng dụng và có những đóng góp thiết thực cho kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng của đất nước. Hướng tới tương lai, với những cơ hội và thách thức mới, nhất là trong giai đoạn chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ mới, với nền tảng 40 năm và tinh thần đổi mới Viện sẽ tiếp tục phát triển bền vững, giữ vững vị thế tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN trong các giai đoạn tiếp theo.
Ông Giang Mạnh Khôi, Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ báo cáo tại Hội nghị.
Trong năm 2024, Viện Ứng dụng Công nghệ đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch công tác năm theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát các yêu cầu thực tế của Viện, Viện tập trung vào các lĩnh vực công tác trọng tâm: Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện và các đơn vị trực thuộc; xây dựng đề án vị trí việc làm của Viện; rà soát, sửa đổi bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Viện với chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phát triển; tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Viện rà soát việc xây dựng phương án tự chủ giai đoạn mới theo Nghị định 60/NĐ-CP của Chính phủ; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong kế hoạch công tác năm 2024. Triển khai nhiệm vụ KH&CN các cấp, đảm bảo về chất lượng và tiến độ.
Điểm sáng trong hoạt động triển khai dịch vụ KH&CN của Viện là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khai thác thị trường, hợp tác với địa phương doanh nghiệp, viện, trường. Phát triển sản phẩm cho doanh nghiệp tại các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương. Một số lĩnh vực công nghệ đã được chuyển giao sản phẩm như quang điện tử, công nghệ thông tin tự động hóa, sinh học, phân bón hữu cơ, xử lý nước thải bãi rác, tái sử dụng chất thải chăn nuôi thành phân hữu cơ, công nghệ nước trong nuôi tôm, vật liệu compozit, vật liệu màng lọc; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và thực hiện dịch vụ đo lường, kiểm định. Hiện tại, Viện đang nỗ lực để đăng ký thử nghiệm thiết bị Giám sát hành trình tàu cá do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, cùng một số Quy chuẩn khác góp phần phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực chuyên môn của Viện. Kết quả thực hiện các hoạt động triển khai dịch vụ KH&CN của Viện cùng các đơn vị trực thuộc đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong năm 2024, các đơn vị đã ký kết nhiều hợp đồng triển khai dịch vụ với tổng doanh thu ước đạt 19,2 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện đạt 169 % (vượt 69%) so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm 2024, Viện còn tồn tại một số hạn chế như: chưa năng động, chủ động trong tìm kiếm, mở rộng thị trường triển khai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế. Cơ cấu tổ chức cũng như nhân lực của các đơn vị còn phân tán, chưa phát huy được hiệu lực, hiệu quả của Viện trong cơ chế mới. Cùng với đó, cơ sở vật chất còn hạn chế, cần đầu tư nhiều hơn trong điều kiện mở rộng hoạt động dịch vụ và hợp tác với doanh nghiệp; cán bộ có chuyên môn tư duy kinh tế thị trường còn khiêm tốn.
Viện xây dựng kế hoạch năm 2025 với chủ trương tăng cường khai thác nhiệm vụ KH&CN từ các chương trình quốc gia và từ nguồn kinh phí khác ngoài Bộ KH&CN, đặc biệt từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội; gắn kết nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tập trung chỉ đạo công tác dự báo thị trường, chú trọng phát triển thị trường KH&CN. Tiếp tục chủ động nỗ lực tìm kiếm, định hướng thị trường sản phẩm, chỉ đạo thực hiện các nghiên cứu và triển khai ứng dụng đạt kết quả tốt; thúc đẩy thực hiện tốt các kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp, viện - trường, địa phương đã được ký kết; mở rộng hợp tác với các đơn vị chức năng trong Bộ, các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, các Sở KH&CN địa phương, doanh nghiệp và các đối tác nước ngoài nhằm nâng cao uy tín của Viện và thu hút hỗ trợ phát triển các hoạt động chuyên môn; tăng cường trang thiết bị cho các phòng thí nghiệm, tăng cường nguồn nhân lực.
Phấn đấu trở thành tổ chức ứng dụng công nghệ hàng đầu của đất nước
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh đã gợi mở một số nội dung định hướng phát triển Viện trong bối cảnh hiện nay trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành quả, tiềm lực từ Viện nghiên cứu cấp quốc gia như: Viện sẽ hoạt động dựa vào ngân sách nhà nước hay thực hiện cuộc cách mạng lấy thị trường làm trung tâm? Phát triển đa ngành hay tập trung vào một số ngành chủ lực? Viện cần tham gia xây dựng chính sách lớn của ngành từ sớm, từ xa; Mô hình hoạt động của Viện đáp ứng yêu cầu hợp nhất ra sao?
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Khoa học Xã hội Nhân văn và Tự nhiên, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Ứng dụng công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp nhà nước đã cùng thảo luận về định hướng phát triển phù hợp của Viện trong thời gian tới, đồng hành cùng Viện trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với thị trường, xây dựng cơ chế chính sách, kiện toàn cán bộ chủ chốt và nguồn nhân lực chất lượng cao dẫn dắt phát triển KH&CN trong tình hình mới, phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học xã hội và nhân văn, tập trung làm chủ công nghệ, tiếp thu công nghệ mới, đẩy mạnh chuyển giao và thương mại hoá, có nhiều cơ sở dữ liệu liên quan đến công nghệ làm chủ, Viện cần chủ động trong việc tổ chức đấu thấu để kịp triển khai nhiệm vụ…
Từ những định hướng gợi mở phát triển Viện thời gian tới Thứ trưởng Hoàng Minh cũng như đại diện Lãnh đạo các đơn vị đưa ra, ông Hoàng Ngọc Nhân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ bày tỏ tâm thế sẵn sàng tiếp nhận các nhiệm vụ mới do Lãnh đạo Bộ giao; chủ động nâng cao năng lực nghiên cứu của Viện nhằm mở rộng mô hình hoạt động. Tuy nhiên, ông Hoàng Ngọc Nhân cũng đề xuất Viện rất cần cơ chế đặc thù, sự đồng thuận, hỗ trợ của các cấp Lãnh đạo trong quá trình phát triển.
Ông Hoàng Ngọc Nhân, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ phát biểu tại Hội nghị.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh ghi nhận các chia sẻ, thảo luận được đưa ra tại Hội nghị nhằm định hướng phát triển Viện trong thời gian tới để bắt kịp, đi cùng với sự phát triển chung của đất nước. Với trọng trách và nhiệm vụ đặt ra cao hơn trong giai đoạn tới, Thứ trưởng đề nghị Viện cần sẵn sàng bước vào công cuộc thay đổi lớn với tinh thần dấn thân, quyết liệt. Viện cần xây dựng định hướng phát triển trong giai đoạn tới trên cơ sở làm rõ một số nội dung: chọn hướng đi, sản phẩm chủ lực của Viện; quan tâm đến xu hướng mới, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy sự phát triển dựa theo định hướng lớn; phấn đấu trở thành một trong những tổ chức ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam.
Bài, ảnh: Hà Chi