Sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao đang được nhiều địa phương quan tâm vì mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Tại một số địa phương như Hà Nội, Bắc Ninh, Lâm Đồng... doanh thu từ trồng hoa công nghệ cao có thể đạt từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/ha/năm.
Hiệu quả kinh tế cao
Trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất đòi hỏi có sự đầu tư về hệ thống nhà lưới, nhà kính kèm theo trang bị các hệ thống phun tưới sương mù, tưới nhỏ giọt và hệ thống điều chỉnh nhiệt độ, cường độ ánh sáng, phòng nuôi cấy mô hiện đại, hệ thống nhà lạnh để sơ chế, bảo quản... Nhờ trồng hoa theo phương pháp này, hiện nay nhiều địa phương đã trồng được nhiều loại hoa cao cấp như: ly, layơn, tuylip, địa lan, hồ điệp, đồng tiền... mà trước đây không trồng được do khí hậu tự nhiên của Việt Nam.
Nắm bắt được xu hướng thị trường về các loại hoa cao cấp, nhiều địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều mô hình trồng hoa công nghệ cao, từng bước tạo dựng thương hiệu, đồng thời góp phần đẩy mạnh hiện đại hóa khu vực nông nghiệp nông thôn. Trong đó, nổi bật là Lâm Đồng, hiện có khoảng 2.416ha trồng hoa ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại thành phố Đà Lạt, các huyện Đơn Dương và Đức Trọng... Doanh thu ước đạt 800 triệu - trên 1 tỷ đồng/ha/năm (cao gấp 1,6 lần so với mức bình quân chung của cả nước).
Tại Hà Nội, mô hình trồng hoa công nghệ cao cũng đang là hướng đi tiềm năng cho các vùng ngoại thành như Đan Phượng, Từ Liêm... Sản xuất hoa cho thu nhập từ 300-600 triệu đồng/ha/năm, trong khi nếu sản xuất theo lối truyền thống và kinh nghiệm cũ chỉ đạt mức thu nhâp bình quân 50-70 triệu đồng/ha/năm.
Chị Bùi Thị Bích, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội - cho biết, gia đình chị có 2ha nhà lưới để sản xuất hoa và một phòng nuôi cấy mô hiện đại. Trước kia, theo phương thức truyền thống, cứ đến tháng 6, tháng 7 mùa mưa thường phải ngưng trồng hoa và chuyển sang trồng loại cây khác. Nay đã có nhà lưới nên có thể trồng hoa quanh năm, mỗi năm vài ba vụ. Đặc biệt, tại cơ sở sản xuất hoa của gia đình chị, có hàng chục lao động đang làm việc với mức thu nhập trung bình ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Tại Bắc Ninh, từ năm 2005, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai mô hình trồng hoa công nghệ cao cho nhiều hộ nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh - cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 40.000m2 sản xuất hoa công nghệ cao cho thu nhập đạt 500 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những mô hình của doanh nghiệp cho thu nhập đạt 1 tỷ đồng/ha/năm...
Nhân rộng cần kinh phí
Theo nhận định của tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Lý, Giám đốc Trung tâm Hoa và Cây cảnh (Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam), hoa công nghệ cao đang rất đắt khách, chiếm lĩnh khoảng 65-80% thị trường hoa tết ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh năm nay, nhất là các loại hoa lan, layơn, ly... Không chỉ cung cấp cho các thị trường lân cận, phía Bắc, phía Nam mà hoa công nghệ cao của Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, khu vực Bắc Mỹ, châu Âu...
Ông Nguyễn Minh Tân, nhận định trồng hoa công nghệ cao tuy là một hướng đi đúng mang lại hiệu quả kinh tế cao, song phương pháp này đòi hỏi phải có kinh phí lớn đến hàng trăm triệu đồng, diện tích canh tác phải rộng từ vài nghìn m2 đến một vài héc ta mới cho hiệu quả cao, nên không phải người dân nào cũng có khả năng làm được. Ngoài ra, nguồn cung cấp giống hiện chưa chủ động, nhất là các giống hoa phải nhập ngoại, việc tiêu thụ sản phẩm của các tỉnh miền Bắc còn khó khăn do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún... Do vậy, ngoài định hướng của chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo nông dân dồn điền đổi thửa, hỗ trợ nguồn vốn, cần liên kết người sản xuất, nhà đầu tư và các cơ quan khoa học, liên kết các đối tác trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất cũng như tiêu thụ sản phẩm./.