Những người nông dân không bằng cấp mà có các sản phẩm sáng tạo thì thực sự họ là những nhà khoa học. Chúng ta trân trọng họ, bình đẳng như những nhà khoa học có bằng cấp, nếu như những sáng tạo của họ thực sự giúp ích cho sự phát triển chung của xã hội. Vấn đề ở chỗ, sự sáng tạo ấy có thị trường hay không. Nơi nào tạo ra được thị trường, có sự đặt hàng thì những sáng tạo ấy có khả năng được ứng dụng trong xã hội.
Họ thực sự là những nhà khoa học
Những ngày qua, thông tin ông Trần Quốc Hải, nông dân ở Tây Ninh, đã được Chính phủ Campuchia vinh danh vì giúp nước bạn sửa chữa và cải tiến xe bọc thép được dư luận đặc biệt quan tâm. Dư luận vừa mừng, vừa tâm tư. Mừng và cảm thấy tự hào, tự tin về khả năng sáng tạo của người Việt Nam; đồng thời tâm tư bởi cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích những người không bằng cấp có khả năng sáng tạo có thể theo đuổi đam mê, phát huy tài năng trí tuệ vào sự phát triển của xã hội, đất nước.
Chia sẻ với báo giới bên lề Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khẳng định, những người nông dân không bằng cấp mà có các sản phẩm sáng tạo thì thực sự họ là những nhà khoa học. Có rất nhiều người không có bằng cấp nhưng họ đam mê, tự nghiên cứu học hỏi, đọc sách, họ xứng đáng là những nhà khoa học. Họ là những nhà khoa học không bằng cấp. Chúng ta trân trọng họ với tư cách là nhà khoa học, bình đẳng như những nhà khoa học có bằng cấp, nếu như những sáng tạo của họ thực sự giúp ích cho sự phát triển chung của xã hội. Vấn đề ở chỗ, sự sáng tạo ấy có thị trường hay không. Nơi nào tạo ra được thị trường, có sự đặt hàng thì những sáng tạo ấy có khả năng được ứng dụng trong xã hội.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, Chính phủ và Bộ đánh giá cao những ý tưởng và đam mê sáng tạo của ông Trần Quốc Hải. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, việc sửa chữa các trang thiết bị quân sự, quốc phòng của nước ta đã có hệ thống công nghiệp quốc phòng đảm nhiệm rất tốt. Chúng ta cũng chưa có nhu cầu đặt hàng người dân khác, ngoài hệ thống quốc phòng, tham gia vào sửa chữa, nâng cấp và cải tạo các phương tiện kỹ thuật quân sự quốc phòng. Có thể, đối với nhu cầu của Campuchia, nước bạn có nhu cầu phải sửa chữa và cải tiến các loại xe để phù hợp với điều kiện, yêu cầu và bạn mời.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành khoa học công nghệ cũng thẳng thắn thừa nhận, chính sách của chúng ta chưa có được sự hỗ trợ thuận lợi và kịp thời về nguồn lực đối với các sáng tạo của người dân. Cơ chế của Campuchia rất thoáng, có thể giao cho một người nước ngoài một khoản tiền rất lớn để làm việc đó, trong khi chúng ta chưa có quy định làm việc này một cách thông thoáng. Trong khi đó, cơ chế chính sách của chúng ta trong lĩnh vực này còn có bất cập. Chính phủ đã có Nghị định về sáng kiến từ năm 2012, do vướng mắc đối với hệ thống luật pháp nên nguồn lực để hỗ trợ cho sáng kiến, sáng tạo của người dân nói chung rất hạn chế. Cho đến nay, chưa có điều khoản nào trong các văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta cho phép cơ quan nhà nước có thể dùng ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người dân. Ở đâu đó, nếu có hỗ trợ được thì chúng ta phải xã hội hóa hoặc dùng những nguồn kinh phí rất hạn chế từ ngân sách nhà nước.
Đương nhiên, chúng ta vẫn đang tích cực hoàn thiện, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ, trong đó có chính sách đối với các sáng kiến, sáng tạo của người dân. Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 là một bước tiến mới. Trong đó, có đưa ra cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi và cơ chế quỹ. Với cơ chế quỹ, hàng năm sau khi được dự toán và phê chuẩn, Chính phủ sẽ giao cho các quỹ về khoa học công nghệ. Với cơ chế này, các nhiệm vụ đề tài dự án hay các sáng kiến của người dân ở bất kỳ thời điểm nào cũng có thể cấp kinh phí và thực hiện ngay nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định. Vấn đề là, cần phải đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa để làm sao người dân nhanh chóng nhận được kinh phí hỗ trợ từ nhà nước. Hiện, Nghị định 13 về sáng kiến được ban hành từ năm 2012 đến nay chưa có hướng dẫn về cơ chế tài chính; ở đây có lỗi của các bộ ngành trong cơ chế phối hợp để ban hành hướng dẫn đối với chính sách này.
Cần sự hợp tác giữa người có ý tưởng sáng tạo với các tổ chức khoa học và cơ quan quản lý
Thực trạng hiện nay là người dân tự mình mày mò nghiên cứu, chưa có sự hợp tác với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học. Tình trạng chung là vẫn mạnh ai lấy làm rồi trách móc lẫn nhau. Một số nhà khoa học không bằng cấp, qua trao đổi với báo chí, cho rằng họ không được khuyến khích, không được tạo điều kiện, thậm chí là bị gây khó khăn khi sáng tạo và thử nghiệm các mô hình sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, có một số lĩnh vực, đặc biệt là an ninh quốc phòng, người dân khi muốn phát triển các ý tưởng sáng tạo, nên phối hợp với cơ quan quản lý. Theo quy định, nếu muốn đưa ra thử nghiệm các mô hình, sản phẩm ở ngoài biển hay trên trời thì phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi nó liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân, kể cả tính mạng của người có sản phẩm ấy, chưa kể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Khi hợp tác từ đầu với cơ quan quản lý, các đơn vị này sẽ giám sát, kiểm tra và đăng kiểm sản phẩm mô hình dựa vào các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định, từ đó mới có cơ sở cấp phép lưu hành các sản phẩm ra ngoài xã hội.
Tâm lý chung hiện nay, những người có ý tưởng sáng tạo thường tìm đến cơ quan nhà nước mong tìm kiếm được sự hỗ trợ về tài chính, tuy nhiên ngân sách Nhà nước dành cho việc này gần như không có. Chính điều này khiến người dân không để tâm đến việc này. Cũng có thể, đôi khi chính sách có, nhưng đâu đó còn có những người thực thi công vụ chưa thật sự trân trọng, nhiệt thành... Tuy nhiên các nhà khoa học không bằng cấp cũng cần hiểu rằng, hỗ trợ tài chính chỉ là một phần, bà con muốn sáng tạo cũng cần phải tìm hiểu và nhận được sự hỗ trợ về quản lý để khi có sản phẩm thì có thể được cấp phép. Hiện nay, sở Khoa học và Công nghệ các địa phương sẽ là cơ quan quản lý tiếp nhận và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo của người dân. Cơ quan này sẽ tư vấn và kết nối các ý tưởng sáng tạo với các cơ sở nghiên cứu và các cơ quan quản lý để làm sao các ý tưởng sáng tạo được triển khai thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Điều đáng trân trọng và giá trị trong các sáng tạo của các nhà khoa học không bằng cấp là những ý tưởng được xuất phát từ thực tiễn đời sống sản xuất và đam mê tìm hiểu. Tuy nhiên, rất nhiều những ý tưởng, mô hình sản phẩm chưa được thương mại hóa hoặc ứng dụng rộng rãi bởi một số hạn chế, khiếm khuyết. Nếu như có được sự liên hệ với các nhà khoa học, các tổ chức khoa học, các doanh nghiệp khoa học công nghệ thì những ý tưởng sáng tạo từ kinh nghiệm thực tiễn, kết hợp với các tri thức khoa học công nghệ, sẽ có thể cho ra những sản phẩm hoàn chỉnh, có khả năng thương mại hóa tốt hơn, hiệu quả hơn.