Robot bắt trộm, robot chở hàng hay nhà máy điện gió là những ý tưởng đều xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của những bạn nhỏ là học sinh tiểu học và THCS tại cuộc thi Robotacon.
Nhà máy điện gió của hai bạn nhỏ trường tiểu học Lương Định Của, Quận 3. Ảnh: Hà Thế An
Cùng nhau lắp ghép hoàn thiện nốt phần cánh quạt, mô hình tựa như cối xay gió là của hai học sinh trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM. Hỏi ra chúng tôi mới biết đó là “nhà máy sản xuất điện gió” của hai bạn học sinh này. Nguyễn Anh Tuấn, học sinh lớp 3 trường tiểu học Lương Định Của chia sẻ, những chiếc cánh quạt quay sẽ tạo ra điện và làm sáng đèn led.
Tuấn nói đã từng xem những turbin gió khổng lồ trong ti vi và một lần có dịp đi Thái Lan đã tận mắt chứng kiến những chiếc turbin quay trên cánh đồng lớn. “Em rất thích việc tạo ra điện từ những cánh quạt gió này. Vì thế em cũng muốn làm cho mình một mô hình. Điện mặt trời hay điện gió là những loại năng lượng mới giúp giảm ô nhiễm môi trường. Nhà em đã lắp điện mặt trời 3 năm rồi. Vì thế em muốn có thêm một hệ thống điện gió trong nhà mình”- Tuấn hồn nhiên kể.
Cũng là câu chuyện từ gia đình mình, nhưng Nguyễn Trọng Diễn, học sinh lớp 7 trường THCS Lê Thành Công, Q.7 lại chứng kiến cảnh một lần nhà em bị mất trộm. Mặc dù trong nhà đã lắp camera nhưng kẻ trộm vẫn “viếng thăm”. Vì thế, Diễn muốn tạo ra một con robot có thể thông báo khi gia đình có người lạ và cũng có thể sẵn sàng “tấn công” bắt trộm.
Nguyễn Trọng diễn hoàn thiện mô hình robot bắt trộm của mình. Ảnh: Hà Thế An.
“Em thiết kế mô hình robot có khả năng nhận diện kẻ trộm. Khi đó robot sẽ đuổi theo và bung túi chụp lại kẻ trộm. Đây là ý tưởng ban đầu của em thôi, vì nhiều thứ em sẽ phải tìm hiểu để hoàn thiện robot có khả năng nhận diện và xử lý tình huống tốt hơn. Sau này em sẽ suy nghĩ và học nhiều kiến thức lập trình hơn để robot của em không còn là mô hình nữa mà là sản phẩm thật”- Diễn chia sẻ.
Cũng là một sản phẩm robot nhưng, Hồ Ngọc Thắng, học sinh trường THCS Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh cùng với những người bạn của mình tạo ra mô hình robot có khả năng nâng những vật nặng giúp con người.
Thắng kể, robot được mô phỏng từ khả năng một loại động vật có tên gọi là bọ sừng, có nguồn gốc từ Nhật Bản. Vào năm học lớp 1, Thắng xem tivi và tình cờ biết được loại động vật này. Nhưng hồi đó em chưa có điện thoại hay máy tính có kết nối internet để biết rõ hơn loài động vật này. Sau năm lớp 3, nhờ có internet, Thắng biết được nhiều điều thú vị về bọ sừng.
Hồ Ngọc Thắng (bìa phải) hoàn thiện và chạy thử robot thồ hàng do mình sáng chế. Ảnh: Hà Thế An.
“Điều em ấn tượng nhất là loại động vật này có khả năng khiêng những vật thể nặng gấp 2 đến 3 lần trọng lượng cơ thể mình. Vì vậy em muốn tạo ra một loại robot có thể khiêng những vật nặng giúp con người đỡ vất vả hơn”- Thắng chia sẻ.
Thắng, Diễn, Tuấn là những học sinh nằm trong bảng sáng tạo của cuộc thi Robotacon cúp robot Việt do Thành đoàn TP.HCM tổ chức sáng 07/04 tại trường tiểu học Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM. Đây là sân chơi dành cho các bạn học sinh tiểu học và THCS đam mê robot và giáo dục STEM. Đã có 600 học sinh tranh tài ở 5 bảng đấu là: Sumo, bò cạp chích bóng, đá bóng, robot sáng tạo, robot thông minh và lập trình.