Ngày 10/4/2015, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức tọa đàm về SHTT dành cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan truyền thông báo chí. Buổi tọa đàm cũng mở đầu cho chuỗi hoạt động chào mừng ngày SHTT thế giới năm 2015.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT cho biết, trong những năm gần đây,a hoạt động SHTT ngày càng được xã hội quan tâm. Việc tuyên truyền phổ biến pháp luật về SHTT ngày càng được các cơ quan quản lý nhà nước cũng như DN đẩy mạnh, nhằm đưa hoạt động SHTT gần gũi hơn với xã hội. Các hoạt động liên quan đến SHTT sẽ không mang lại kết quả thiết thực nếu không có sự góp mặt của các cơ quan truyền thông, báo chí bởi đây là cầu nối để SHTT đến với công chúng.
Theo thống kê của Cục SHTT tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT vẫn diễn ra nghiêm trọng và có chiều hướng gia tăng cả về tính chất cũng như mức độ vi phạm. Hầu hết các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT lưu thông nhiều trên thị trường gây nguy hại lớn tới tài sản và sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, rượu, thực phẩm và các loại phân bón, điện thoại đi động, giày dép… Đặc biệt, phần lớn hàng giả là hàng tiêu dùng nhập lậu, giả mạo các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, bán với giá rẻ. Việc kinh doanh sử dụng tem nhập khẩu giả, in ấn bao bì nhãn mác giả có quy mô và số lượng lớn đang tăng lên và rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, một số vụ hàng giả gần đây cho thấy đã có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là hàng giả mạo xuất xứ thương hiệu có uy tín trên thế giới để tiêu thụ trong nước. Không những thế thủ đoạn của các đối tượng và kỹ thuật sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, được khép kín từ khâu sản xuất đến vận chuyển đến lưu thông phân phối từ các thành phố đến các vùng sâu vùng xa.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm đào tạo cho biết, cho biết, số lượng đơn đăng ký sáng chế mà Cục SHTT tiếp nhận luôn tăng khoảng 10%/năm trong vài năm gần đây. Riêng trong năm 2014, Cục đã tiếp nhận khoảng 4.400 đơn đăng ký sáng chế, trong đó khoảng 10% đơn của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong số 1.500 bằng sáng chế độc quyền được cấp thì chỉ có khoảng 3% là của người Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân là do chất lượng đơn đăng ký của người Việt Nam chưa tốt. Về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc gia, số lượng đơn nộp trực tiếp tại Cục SHTT năm 2014 đạt khoảng 33.000 đơn. Trong khi 90% đơn đăng ký sáng chế là của người nước ngoài thì số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của người Việt Nam trong khoảng hơn 10 năm nay đều cao hơn của người nước ngoài nộp tại Việt Nam.
Thống kê riêng số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia của các tỉnh/thành phố thì TPHCM đang là địa phương có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhiều nhất, gần 12.000 đơn trong năm 2014; đứng thứ 2 là Hà Nội, khoảng 7.600 đơn. Những địa phương có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu thấp là Lai Châu, chỉ có 2 đơn; Bắc Kạn với 5 đơn; Điện Biên có 9 đơn... Nguyên nhân chủ yếu do số lượng doanh nghiệp tại các địa phương này còn ít, nhận thức của doanh nghiệp về SHTT còn hạn chế.
Về số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia theo xuất xứ thì Mỹ là nước có số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu nhất vào Việt Nam nhiều nhất năm 2014 với 1.713 đơn, tiếp đến là Nhật Bản 1.295 đơn, Trung Quốc 904 đơn, Hàn Quốc 785 đơn, Thái Lan 519 đơn... Việc đăng ký nhãn hiệu quốc gia theo xuất xứ thường được thực hiện theo 2 hình thức: nộp đơn trực tiếp cho Cục SHTT hoặc nộp thông qua Văn phòng quốc thế của Tổ chức SHTT thế giới theo Hiệp ước Madrid về đăng ký nhãn hiệu hàng hóa quốc tế.
Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội đối với hoạt động SHTT trong năm 2015, ông Lê Ngọc Lâm cho biết, Cục SHTT sẽ tiến hành tổ chức các cuộc thi sáng tạo khoa học và công nghệ, diễn đàn sáng tạo..., đồng thời kết hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền về kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ, sáng tạo khoa học và công nghệ đã được bảo hộ, giới thiệu các tấm gương điển hình.
Đồng thời, kết hợp với viện nghiên cứu, trường đại học, DN tổ chức các khoá đào tạo để đưa thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với kết quả nghiên cứu, ứng dụng gần gũi và thân thiện hơn đối với chủ thể sáng tạo; tổ chức các sự kiện, giao lưu sáng tạo cho thanh thiếu niên nhằm định hướng, cung cấp kiến thức cơ bản cho thanh thiếu niên về SHTT.
Tin, ảnh: Q.H