Chương trình 68 giai đoạn 2011-2015, có 13 dự án thuộc chương trình sẽ được tuyển chọn thực hiện cho 2 năm 2012-2013 bao gồm 6 dự án “áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ của Việt Nam” và 7 dự án “ứng dụng các công nghệ mới thuộc các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ hoặc đã hay sắp hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam”.
Đó là một trong những mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) giai đoạn 2011-2015 được nêu ra tại hội thảo áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đáp ứng 70% yêu cầu hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ
Chương trình 68 giai đoạn 1 đã đi đến giai đoạn kết thúc, giai đoạn 2 từ 2011-2015 vẫn được giữ nguyên các mục tiêu của giai đoạn 1, tiếp tục nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về bảo hộ sở hữu trí tuệ và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp…
Đồng thời bổ sung một số mục tiêu cụ thể như: Đáp ứng 70% yêu cầu của các doanh nghiệp, tổ chức dịch vụ khoa học, trường đại học, tổ chức nghiên cứu và địa phương về nâng cao nhận thức và hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; đáp ứng 50% yêu cầu về hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) của các doanh nghiệp có sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu tại các nước là thị trường chính và tiềm năng.
Đặc biệt, đối với các khoản chi hoạt động chung của Chương trình trong đó có chi cho mua sắm trang thiết bị văn phòng chương trình và cơ quan quản lý dự án địa phương, mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ là 100% đối với các dự án do trung ương quản lý; Ngân sách sự nghiệp (NSNN) sẽ hỗ trợ với các mức từ 20%-90% kinh phí cho thực hiện các dự án do địa phương quản lý, số còn lại sẽ do NSNN địa phương đóng góp.
Bên cạnh đó, khoản chi cho thực hiện các dự án của chương trình như: thành lập và hỗ trợ hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; nhãn hiệu; kiểu dáng công nghiệp; sáng chế; áp dụng các quy trình quản lý kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học; khai thác thông tin; chuyển giao tài sản trí tuệ; định giá tài sản trí tuệ…NSNN sẽ hỗ trợ 50-70% kinh phí thực hiện dự án.

Hội nghị tổng kết chương trình 68 giai đoạn 1 (Ảnh: P. Hoàn)
Với công tác tuyên truyền (đối tượng hưởng lợi không xác định cụ thể); nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý; áp dụng sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam…vẫn được NSNN hỗ trợ 100% kinh phí.
Ứng dụng các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam
Cũng ở giai đoạn 2 này, một điểm được cho là mới chính là cơ chế áp dụng sáng chế của nước ngoài không bảo hộ tại Việt Nam. Cục Sở hữu trí tuệ đã đề xuất 7 Dự án “Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ lõi thuộc các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ hoặc đã hay sắp hết thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.
Cụ thể là Dự án trong lĩnh vực điện tử, bán dẫn; cơ khí, chế tạo máy tự động hóa; dược phẩm; thuốc bảo vệ thực vật; năng lượng; luyện kim, vật liệu mới; công nghiệp hạ tầng.
Ngoài ra, 6 dự án “Áp dụng sáng chế, kết quả nghiên cứu KH&CN của Việt Nam” cũng được đưa vào danh mục các dự án năm 2012-2013: Dự án ứng dụng các giải pháp, công nghệ chống nước biển xâm thực, gây sạt lở ở khu vực Nam bộ; dự án ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản quy mô sản xuất nhỏ; Dự án ứng dụng công nghệ xử lý chất thải làng nghề; Dự án ứng dụng công nghệ xử lý chất thải đô thị; Dự án ứng dụng công nghệ để sản xuất điện sạch từ gió, sóng biển…; Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về phương pháp và quy trình kỹ thuật, chuẩn mực nhằm bảo tồn, tu bổ và tôn tạo các kiến trúc gỗ cổ trong các công trình văn hóa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Chương trình đã tạo động lực cho các địa phương tự huy động các nguồn lực để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ dùng cho các các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của mình. Nhiều địa phương đã chủ động huy động kinh phí đối ứng để thực hiện các nội dung của Chương trình.
Thông quá đó, đã có 41 địa phương huy động được gần 30 tỷ đồng từ các nguồn khác không phải từ NSNN nước ở Trung ương để triển khai nội dung của Chương trình 68, chiếm 52,03% kinh phí hỗ trợ từ NSNN nước ở Trung ương. 21 địa phương đã phê duyệt và thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ riêng của địa phương, bằng kinh phí tự huy động khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.
5 nội dung mới phát triển tài sản trí tuệ
5 nội dung mới của Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (TSTT)” giai đoạn 2011 – 2015 đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thông báo vào ngày 31/8.
Theo đó, 5 chương trình mới của giai đoạn này bao gồm: thành lập và đưa vào các hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển TSTT; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý, kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng sáng chế của nước ngoài không bảo hộ tại Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động đảm bảo thực thi quyền SHTT; hỗ trợ triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT.
Trước đó, trong giai đoạn triển khai giai đoạn 2005 – 2010, chương trình đã đi sâu vào 3 nội dung chính là tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ, phát triển TSTT và hỗ trợ khai thác thông tin SHTT.
|
Q. Hoa