Hơn một nghìn người quan tâm đã có mặt tại Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục sáng ngày 21/4/2018 để cổ vũ cho các hoạt động Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2018 tại Việt Nam – Tiếp sức cho những thay đổi” để chào mừng Ngày SHTT thế giới 26/4 với chủ đề "Tiếp sức cho những thay đổi: Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo".
Sự kiện do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội phối hợp cùng Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Ban Thanh niên công nhân và Đô thị (Trung ương Đoàn), Ban Chấp hành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bộ Khoa học và Công nghệ và CLB Doanh nhân Sáng tạo tổ chức.
Tiếp sức cho những thay đổi
Tham gia sự kiện có Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện Ban bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, lãnh đạo Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Cục Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội, đại diện một số Bộ, ngành liên quan, Hội Nữ trí thức Việt Nam, cùng hơn 1000 người, bao gồm cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo, cộng đồng sở hữu trí tuệ, các nhà quản trị, doanh nhân, chuyên gia đổi mới sáng tạo, nghệ sĩ và đông đảo sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Các đại biểu tham dự sự kiện IP Day ngày 21/4 tại Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục
Mục tiêu của sự kiện nhằm góp phần nâng cao nhận thức về đổi mới, sáng tạo và SHTT của cộng đồng, xã hội, đồng thời tạo động lực cho sự sáng tạo của các cá nhân và tổ chức, thông qua đó thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Một trong những điểm hết sức ý nghĩa của IP Day 20018 nằm chính trong chủ đề của sự kiện: “Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo.”
Hơn 1000 người quan tâm hướng ứng sự kiện IP Day ngày 21/4 tại Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục.
Tại Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các nữ trí thức là điều không thể phủ nhận. Vượt qua những khó khăn và bận rộn mà thiên chức là người vợ, người mẹ phải đảm nhận, các bà, các chị, các em vẫn đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, tích cực tạo ra các kết quả sáng tạo có ích và mang lại ý nghĩa to lớn cho xã hội và đất nước. Bên cạnh đó còn có những gương đổi mới và sáng tạo không kém phần quan trọng, ấn tượng thuộc nhiều thành phần khác nhau từ những nữ nông dân, công nhân, nữ doanh nhân, nữ nghệ sỹ… họ cũng đang từng ngày, từng giờ thực hiện các hoạt động đổi mới, sáng tạo. Những thành công của họ chính là nguồn cổ vũ động viên gần gũi, bình dị nhưng tuyệt vời nhất đối với chúng ta trong hoạt động đổi mới và sáng tạo.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc phát biểu tại sự kiện
Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, trước đây sự đóng góp cho đổi mới sáng tạo của nữ giới còn khiêm nhường so với một nửa còn lại, song sự thay đổi diễn ra nhanh chóng trong vài thập niên gần đây.
“Với chủ đề ‘Tiếp sức cho những thay đổi – Phụ nữ với hoạt động đổi mới và sáng tạo,’ chúng tôi tin tưởng phụ nữ Việt Nam cũng như phụ nữ thế giới sẽ tiếp tục có những đóng góp to lớn cho đổi mới sáng tạo,” Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ.
Tôn vinh các phụ nữ trí thức điển hình trong đổi mới và sáng tạo
Trong khi đó, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết thêm, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, sự sáng tạo của phụ nữ Việt Nam không chỉ được thể hiện ở các lĩnh vực nghệ thuật mà còn thể hiện rõ trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Nhiều kết quả nghiên cứu, sáng tạo của nhà khoa học nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều giải thưởng cao quý.
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT phát biểu tại sự kiện
“Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hôm nay chúng ta tôn vinh các nhà khoa học, bác sỹ, kỹ sư và các nhà sáng tạo nữ-những người đã cống hiến hết mình cho một cuộc sống tốt đẹp hơn của nhân loại,” ông Đinh Hữu Phí nói và bày tỏ tin tưởng “với sự nhiệt huyết và đam mê, các bạn trẻ hoàn toàn có thể trở thành những nữ trí thức đầy sáng tạo trong tương lai.”
Một thống kê của Hội Nữ Trí thức Việt Nam cũng cho thấy, hiện nay đã có 31 hội viên đã có bằng sáng chế. Trong đó, người có bằng độc quyền sáng chế trẻ nhất ở độ tuổi 36.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc trao kỷ niệm chương cho các Nữ trí thức tiêu biểu
Cũng theo thống kê của WIPO, số đơn đăng ký sáng chế do phụ nữ nộp theo Hiệp ước Hợp tác Sáng chế của WIPO (PCT) đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2016. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ đăng ký đơn PCT của phụ nữ đã tăng từ 23% năm 2007 lên 30,5% năm 2016. Số liệu này đã thể hiện rõ ràng sự chuyển dịch, thay đổi, tăng cường sự đóng góp của phụ nữ trong các ngành sáng tạo.
Sự kiện diễn ra từ 8h00 -11h00 ngày 21/4/2017 tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục và phố đi bộ từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục tới Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Chương trình bao gồm phần mít tinh tổng kết các hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung cũng như các vấn đề về bảo vệ, khai thác tài sản trí tuệ tại Việt Nam; tôn vinh các phụ nữ trí thức điển hình trong đổi mới và sáng tạo; nghi thức "Tiếp sức cho những thay đổi" thể hiện qua việc mọi người cùng truyền nguồn năng lượng tích cực của mình cho nhau và sau đó truyền vào "Quả cầu năng lượng", tượng trưng cho việc cộng đồng xã hội luôn khuyến khích, cổ vũ và hỗ trợ ngày một mạnh mẽ hơn cho các nỗ lực đổi mới sáng tạo của giới nữ; đi bộ vì đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ (đây là hoạt động truyền thống xuyên suốt 2015 đến nay, với tiêu đề “Walk A-head for Innovation & IP – Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu”).
Giới trẻ in bàn tay lên Quả cầu năng lượng, tiếp thêm nguồn sức mạnh cho sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo
Bên cạnh đó là các hoạt động trình diễn hòa tấu âm nhạc, trình diễn bản rap IP, nhảy cổ động chear leading, nhảy flashmob... Tất cả đều nhằm truyền đi những thông điệp, niềm cảm hứng về đổi mới và sáng tạo, hướng người tham dự đến những ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống.
“Ngày sở hữu trí tuệ thế giới” (World Intellectual Property Day – viết tắt là IP Day) ra đời vào năm 2000 khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quyết định ngày 26 tháng 4 hàng năm là ngày để các quốc gia cùng nhau gia tăng sự hiểu biết chung về sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới. Kể từ đó, “IP Day” đã trở thành ngày mà mọi người trên thế giới cùng nhau tìm hiểu và cổ vũ cho những đóng góp của sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật, công nghệ và những đổi mới sáng tạo vì cuộc sống con người.
Các bạn trẻ xếp thành ngôi sao năm cánh bên "Quả cầu năng lượng."
Trong ba năm qua (2015 - 2017), sự kiện Ngày sở hữu trí tuệ thế giới tại Việt Nam (World IP Day In Vietnam – Walk A-head) đã được tổ chức một cách sáng tạo, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều thành phần xã hội cũng như tạo được những tác động truyền thông đáng kể về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Diễu hành từ Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục ra Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ
Năm 2015 là năm đầu tiên sự kiện kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới được tổ chức mở rộng. Với ý tưởng xuyên suốt “Walk A-head for Innovation & IP” và câu khẩu hiệu “Đi bộ bằng đầu, sáng tạo dài lâu”, sự kiện đã thu hút hơn 1000 người tham gia. Năm 2016 và 2017, tiếp tục tinh thần của “Walk A-head for Innovation & IP”, Ban tổ chức đã xây dựng thêm hình tượng “IP Man” – Intellectual Property Man (IP Girl/Woman…) cùng câu khẩu hiệu “Ai cũng có thể trở thành IP Man” để kêu gọi, cổ vũ mọi người hành động và trở thành những IP Man đích thực.
Bài, ảnh: MH-VN