Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể sở hữu sản phẩm. Tuy nhiên vấn đề thực thi còn nhiều gian nan, do đó, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cần nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các cơ quan thực thi.
Sở hữu trí tuệ còn bị xem nhẹ
Việc bảo hộ quyền SHTT tạo môi trường pháp lý phù hợp và bình đẳng, khuyến khích hoạt động cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong một cơ chế thị trường ổn định nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế. Việc bảo hộ quyền SHTT còn tạo môi trường pháp lý hấp dẫn, khuyến khích, thu hút các hoạt động đầu tư nước ngoài và khả năng chuyển giao công nghệ từ ngoài nước vào Việt Nam. Đồng thời, là cầu nối tăng cường thiện chí hợp tác, tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước khác, thúc đẩy giao lưu thương mại và trao đổi quốc tế trong mọi lĩnh vực.
Một cơ chế bảo hộ quyền SHTT còn giúp cho nền kinh tế Việt Nam giữ được thế chủ động trong quá trình hội hập nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong nước, bảo hộ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là không ít chủ thể sản phẩm xem nhẹ việc đăng ký bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm của mình, đăng ký muộn… dẫn đến việc bị mất quyền đăng ký hoặc bị xâm phạm thương hiệu…
Câu chuyện của sản phẩm nhãn Đại thành thuộc xã Đại Thành, huyện Quốc Oai là một ví dụ điển hình. Năm 2006, ông Nguyễn Văn Thành trú tại xã Đại Thành đăng ký và được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” số 87355 cho nhóm sản phẩm số 31 quả nhãn tươi. Đến năm 2012, Hợp tác xã nông nghiệp xã Đại Thành mới nộp đơn yêu cầu Cục SHTT bảo hộ nhãn hiệu “Nhãn chín muộn Đại Thành” vì vậy đã bị muộn.
Sau quá trình đàm phán, chủ sở hữu nhãn hiệu số 87355 đã chủ động làm đơn đề nghị cục SHTT hủy bỏ hiệu lực với nhãn hiệu của mình. Đến năm 2013, Cục SHTT mới cấp cho Hợp tác xã nông nghiệp Đại Thành văn bằng bảo hộ số 210660.
Chia sẻ về những khó khăn thực tế từ cơ sở, Phó Trưởng ban Khoa học - Chiến lược (Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia) cho biết, việc thương mại hóa, chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu sau khi kết thúc đề tài, nhiệm vụ, dự án của Viện còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, Viện chưa có chính sách phân định về quyền sở hữu để phân chia lợi nhuận khi tài sản trí tuệ được thương mại hóa, nhiều cán bộ chưa thực sự hiểu rõ về SHTT; phân chia quyền, chuyển giao công nghệ, các hoạt động pháp lý, định giá, nhượng quyền SHTT còn hạn chế và khó khăn.
Đứng ở góc nhìn luật pháp, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - đại diện hãng Luật TGS nêu quan điểm, DN cũng như con người, ra đời phải có cái tên. Do vậy, các DN nên xác định tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và SHTT. Một sản phẩm có thể được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế… Một logo có thể đăng ký bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tại Cục SHTT và dạng bản quyền tác giả tại Cục Bản quyền. Các DN nên đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình càng sớm càng tốt và dưới tất cả các dạng có thể để phòng tránh rủi ro.
Tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nhận thức của người dân về SHTT vẫn còn hạn chế, thậm chí bị xem nhẹ. Trên thực tế có rất nhiều cá nhân, tổ chức đang kinh doanh nhưng không ý thức phải đăng ký nhãn hiệu. Đây là điều kiện lý tưởng cho những tổ chức, cá nhân dễ dàng ăn cắp nhãn hiệu của người khác, bằng cách đơn giản là đi đăng ký nhãn hiệu đó. Trong thực tế, nhiều DN Việt Nam đã bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay trên lãnh thổ Việt Nam vì đăng ký nhãn hiệu muộn.
Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ KH&CN) Trần Lê Hồng chia sẻ, thực thi quyền SHTT ở Việt Nam còn nhiều gian nan, hiệu quả chưa như mong muốn. Một trong những bất cập của hoạt động thực thi quyền SHTT là việc dựa chủ yếu vào thủ tục và chế tài hành chính, khiến nguồn lực của các cơ quan xử lý vi phạm hành chính đã hạn chế lại càng trở nên quá tải.
Trong khi cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền SHTT không những không phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm của mình gây ra, mà việc đóng góp để bảo đảm hoạt động xử lý vi phạm của các cơ quan thực thi quyền SHTT cũng không đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT còn hạn chế khiến nạn hàng giả, nhất là giả mạo về SHTT còn khá phổ biến, chưa nâng cao được năng lực của chủ sở hữu trong việc thực thi quyền của mình.
Cần hoàn thiện pháp luật thực thi
Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội qua các thời kỳ cho thấy SHTT đóng vai trò hết sức quan trọng đối với từng quốc gia, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Để phù hợp với bối cảnh đó, Chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo hướng lồng ghép SHTT trong các lĩnh vực kinh tế xã hội. Do đó, quản lý Nhà nước về SHTT là một trong những hoạt động quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu đó.
Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, nhằm hỗ trợ thực thi quyền SHTT cần rà soát, đánh giá hiệu lực, hiệu quả, sự phù hợp của hệ thống tổ chức và cơ cấu bộ máy bảo vệ quyền SHTT hiện có để làm căn cứ xây dựng, thực hiện phương án sắp xếp, phân công lại trong bộ máy. Việc sắp xếp, phân công lại bộ máy các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính cần đảm bảo theo hướng thu gọn đầu mối, phù hợp với tính chất dân sự...
Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, việc thu gọn đầu mối cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính, cần được thực hiện đồng thời với việc phân định rõ thẩm quyền của mỗi cơ quan và tăng cường chất lượng hoạt động, trên cơ sở thực hiện chuyên môn hóa về tổ chức, nhân sự trong cơ quan này.
Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng cho rằng, trước tiên phải hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền SHTT. Chiến lược SHTT đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền SHTT; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT đủ sức răn đe và chú trọng chống hàng hóa giả mạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của DN, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ.