Thiếu những quy định cụ thể về định giá tài sản trí tuệ
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hoạt động định giá tài sản trí tuệ (TSTT) ở nước ta vẫn chưa tuân theo chuẩn mực nhất định. Nguyên nhân là do các văn bản pháp luật về vấn đề này còn sơ sài và chồng chéo, mới chỉ đề cập tới nguyên tắc và cách thức tính toán tài sản vô hình (trong đó có TSTT) mà thiếu những quy định cụ thể, điều chỉnh trực tiếp nội dung này.
Mơ hồ quy định pháp luật
Với vai trò là thước đo hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh và khả năng phát triển trong tương lai, định giá TSTT sẽ giúp các doanh nghiệp khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường. Doanh nghiệp cũng có thể tiến hành thương mại hóa TSTT một cách thuận lợi. Thế nhưng, việc định giá TSTT còn chưa tuân theo một chuẩn mực nào. Ngay cả các văn bản pháp lý chuyên ngành như Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bổ sung 2009) và Nghị định hướng dẫn thi hành vẫn bỏ sót quy định liên quan đến định giá TSTT. Trong khi đây là một trong những đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ cần được bảo hộ và được phép chuyển giao theo quy định pháp luật.
Chính vì thiếu những quy định cụ thể về nội dung này nên đã dẫn tới tình trạng mơ hồ về khái niệm “định giá TSTT”. Theo một số chuyên gia, có thể hiểu định giá TSTT như định giá bất động sản hay định giá công nghệ. Đồng nghĩa với việc, định giá là việc đánh giá lại những giá trị của TSTT tại một địa điểm, thời điểm nhất định. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là quan điểm của các chuyên gia mà chưa được ghi nhận trong văn bản pháp luật nên dễ dẫn tới tình trạng lúng túng khi thực hiện định giá loại tài sản đặc biệt này.
Mặc dù có một số văn bản pháp luật đã đề cập tới nhưng vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo. Đặc biệt trong việc coi TSTT là tài sản vô hình để định giá và tính vào giá trị của doanh nghiệp. Thông tư 203/2009/TT-BTC quy định, tất cả đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đều được coi là tài sản vô hình và là cơ sở để định giá và tính vào giá trị của doanh nghiệp. Tức là, chỉ dẫn địa lý cũng được xem là tài sản vô hình. Điều này hoàn toàn không phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Do vậy, không thể coi “chỉ dẫn địa lý” là tài sản vô hình của doanh nghiệp được.
Thiếu hợp lý về chủ thể và phương pháp
Hạn chế lớn nhất trong việc định giá TSTT là sự thiếu hợp lý trong các quy định về chủ thể định giá. Nếu theo Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2005 thì TSTT là một trong những loại tài sản có thể góp vốn vào doanh nghiệp và phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí (100% phiếu thuận). Việc định giá này có thể không phụ thuộc vào một tính toán cụ thể dựa trên các yếu tố thị trường, chi phí hay lợi nhuận của TSTT đó. Do đó, sẽ dẫn tới trường hợp TSTT được định giá thấp hơn hoặc cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn.
Mặc dù khoản 3 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định về chế tài đối với người góp vốn hoặc tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp cùng phải liên đới chịu trách nhiệm nếu như việc định giá cao hơn giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ trường hợp cụ thể “người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” hay “tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp” phải liên đới chịu trách nhiệm. Khi nào mà cả 3 chủ thể trên đều phải liên đới chịu trách nhiệm?
Vấn đề sử dụng phương pháp định giá cũng là điều đáng phải bàn tới. Theo Thông tư 203/2009/TT-BTC, nguyên giá của vô hình là quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng hay chương trình phần mềm theo quy định của Luật SHTT là toàn bộ các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã bỏ ra. Như vậy, việc xác định giá của TSTT theo phương pháp định giá dựa trên chi phí quá khứ. Tương tự, Thông tư 202/2011/TT-BTC quy định về việc xác định giá trị “thương hiệu” dựa trên giá trị của “nhãn hiệu” và “tên thương mại” tức là cũng căn cứ vào phương pháp chi phí quá khứ.
Phương pháp này giúp cho doanh nghiệp nhận thức được giá trị kinh tế của TSTT khi tài sản này đã được hạch toán trong sổ sách, song trên thực tế đây là phương pháp không được áp dụng phổ biến để định giá TSTT. Hơn nữa, việc chỉ sử dụng yếu tố chi phí để xác định giá trị và hoàn toàn không xem xét tới lợi ích kinh tế tương lai mà tài sản đó mang lại là hoàn toàn thiếu phù hợp, chưa thực sự đánh giá hết được những tiềm năng kinh tế của loại tài sản đặc biệt này.
Có thể nói, bản chất của việc định giá TSTT là sự thỏa thuận về giá trị giữa hai bên chủ thể tham gia định giá và là quan hệ dân sự - kinh tế do đó pháp luật không thể can thiệp quá sâu vào việc định giá, song vẫn cần đưa ra được những quy định hướng dẫn giúp cho chủ thể định giá TSTT có căn cứ thực hiện dễ dàng.
“Cần ban hành nghị định riêng về việc định giá TSTT để từ đó giải quyết được những mâu thuẫn, chồng chéo trong các văn bản pháp luật và làm chuẩn mực tạo sự đồng bộ cho việc định giá loại tài sản đặc biệt này trong thời gian tới” - Ths Hoàng Lan Phương - Giảng viên bộ môn Sở hữu trí tuệ, Đại học KHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh.