Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra vào sáng 02/4, trước những câu hỏi liên quan đến vấn đề vi phạm sở hữu trí tuệ, ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ có ý tưởng cho rằng để giải quyết bằng biện pháp dân sự có hiệu quả nhất thì cần phải có hệ thống tòa án, cần thiết lập được tòa án về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp.
Nhận dạng hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thời gian qua việc xâm phạm về sở hữu trí tuệ đáng báo động. Vì SHTT trong bối cảnh hội nhập quốc tế được xác định có vai trò rất quan trọng, là động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội nên việc người ta sử dụng quyền SHTT và xâm phạm về SHTT ngày càng trở nên nhiều hơn là điều dễ hiểu.
Trong quá trình tiến hành thanh tra xử lý xâm phạm quyền SHTT có một số hành vi vi phạm quyền SHTT rất phổ biến như: Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung nhiều vào nhãn hiệu hàng hóa. Vì nhãn hiệu gắn liền với hoạt động thương mại. Thứ hai là vi phạm liên quan đến hàng giả. Bà Quỳnh đưa ra ví dụ về việc làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng như Louis Vuiton, Gucci… khiến người tiêu dùng nhìn bên ngoài gần như không thể phân biệt được với hàng thật. Thậm chí, để xác định rõ thật giả, cơ quan chức năng phải nhờ chuyên gia, đại diện của hãng.
Vi phạm tiếp theo là chuyện cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến sở hữu trí tuệ. Ví dụ tiêu biểu như việc liên quan đến sản phẩm máy xay sinh tố của một hãng nước ngoài dù chưa có đại lý ủy quyền ở Việt Nam thì đã có một số cửa hàng bán và đăng ký tên miền chính là tên của hãng nước ngoài đó. Đây là cạnh tranh không lành mạnh. Hoặc có những hành vi họ sử dụng tên của sản phẩm đó gần như nhãn hiệu đã được đăng ký, nhưng dựa vào quy định của pháp luật để xác định đó có phải là hành vi xâm phạm quyền hay không thì đó cũng không phải là hành vi xâm phạm quyền. Như vậy thể hiện rằng ngành công nghiệp hàng giả, và hàng mô phỏng theo hàng đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trở nên rất tinh vi.
“Gần đây các vi phạm trên Internet cũng sôi động, vi phạm về sáng chế và bí mật kinh doanh ngày càng nhiều hơn. Đây thực sự là khó khăn đối với cơ quan thực thi.”, bà Quỳnh cho hay.
Theo báo cáo mới đây của Chương trình 168 (Chương trình phối hợp hành động về phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2012-2015), chỉ trong hai năm 2013 - 2014, lực lượng thanh tra toàn quốc đã xử lý 32.474 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… với tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng đã buộc loại bỏ, tiêu hủy yếu tố vi phạm đối với hàng trăm nghìn sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghệ, cạnh tranh không lành mạnh; tiêu hủy hàng chục nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu vỏ hộp, tem vi phạm.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân
Việt Nam đang đàm phán rất nhiều hiệp định thương mại với EU, với các nước khác. Việc thực thi quyền SHTT là vấn đề đang tranh cãi rất nhiều và phức tạp. Có một số ý kiến đưa ra rằng liệu các chế tài xử phạt các vấn đề liên quan tới sở hữu trí tuệ hiện nay ở Việt Nam còn quá nhẹ?
Thông tin về vấn đề này, bà Quỳnh cho biết hiện ở Việt Nam biện pháp cơ bản là phạt tiền mà mức phạt cao nhất với doanh nghiệp là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng. Có nhiều trường hợp phạt xong đơn vị vi phạm lại vi phạm tiếp. Bên cạnh biện pháp hành chính, Việt Nam còn có các biện pháp như xử lý hình sự, có thể phạt tù tới chung thân, bồi thường thiệt hại… Như vậy, với một vụ vi phạm, ở Việt Nam có nhiều hình thức xử lý là dân sự, hình sự và hành chính và như vậy không thể coi là nhẹ.
“Với vai trò chức năng của mình, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ có quyền xử lý hành chính. Tuy nhiên, chúng ta đang xây dựng bộ luật hình sự mới, trong đó có phần nâng cao hiệu quả xử lý xâm phạm sở hữu trí tuệ nên chế tài sẽ tăng và rõ ràng hơn”, bà Quỳnh cho hay.
Theo ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ có ba hướng giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dân sự, hình sự, hành chính. Ở nhiều quốc gia, vi phạm này thường tránh hành chính, hình sự mà đi theo xu hướng giải quyết bằng biện pháp dân sự. Để giải quyết bằng biện pháp dân sự có hiệu quả nhất thì cần phải có hệ thống tòa án. Ông Phạm Phi Anh đề nghị phải thiết lập được tòa án về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp.
Bên cạnh đó, ông Phạm Phi Anh cho rằng cần nâng cần nâng cao nhận thức của công chúng thông qua việc tuyên truyền. Cần có những gian hàng trưng bày hàng giả, hàng nhái tại một số hội chợ để tuyên truyền nâng cao năng lực, hiểu biết, nhận thức cho người dân.
Hiện nay, tại một số quốc gia còn thu hàng giả, tuyên truyền trên truyền hình để nâng cao năng lực, hiểu biết và sự nhận thức của công chúng cũng như người thực thi pháp luật. Về vấn đề này, ông cho rằng doanh nghiệp cần vào cuộc, bởi đối với cơ quan nhà nước chỉ hỗ trợ, đưa ra những chế tài, áp dụng chế tài là của các doanh nghiệp chứ không phải nhà nước.
Bài, ảnh: Bảo Chi