Ngày 22/01, tại Hà Nội, Hội đồng Anh tại Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tổ chức thảo luận bàn tròn về vai trò của nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xây dựng chiến lược phát triển Giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM Education).
Thảo luận có sự tham gia của chuyên gia Vương quốc Anh, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Đại học Giáo dục, Trường đại học Bách Khoa, Liên minh STEM, Trung tâm Khoa học, Bảo tàng Khoa học và các cá nhân.
Nội dung thảo luận bàn tròn gồm: giới thiệu về giáo dục STEM, nhu cầu đối với Giáo dục STEM; Giáo dục STEM cấp quốc gia và vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan; Thành phần cấu thành chương trình Giáo dục STEM trường học và vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Trên cơ sở đó nhằm đưa ra những đề xuất để phát triển giáo dục STEM tại Việt Nam.
Để trở thành một quốc gia có khả năng cạnh tranh cao thì năng lực về khoa học và sáng tạo là rất quan trọng. Việc một quốc gia phát triển vững mạnh về khoa học và sáng tạo phụ thuộc vào một đội ngũ học sinh, sinh viên có kiến thức, kỹ năng và đam mê theo đuổi các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM). Công tác đào tạo đội ngũ này có thể thực hiện qua việc áp dụng đổi mới dạy và học STEM tại các cấp từ tiểu học đến đại học thông qua cải tiến giáo trình, cung cấp nguồn học liệu, phương pháp dạy và học theo cách tiếp cận STEM (tích hợp thực hành), sử dụng công nghệ, học tập khoa học mọi lúc mọi nơi với sự tham dự của các cá nhân và tổ chức trong xã hội.
Thảo luận thu hút sự quan tâm của đại diện cơ quan nhà nước, các tổ chức đào tạo, xã hội và các cá nhân
Chương trình STEM là một cấu phần trong chương trình Newton về hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Vương quốc Anh và Việt Nam. Giáo dục STEM nhằm thu hút học sinh tham gia giải quyết các vấn đề thực tế thông qua việc áp dụng kiến thức, hiểu biết và kỹ năng về một hoặc nhiều môn học (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Thông qua chương trình này, các nhà hoạch định chính sách giáo dục, đội ngũ giáo viên và học sinh, sinh viên sẽ có cơ hội trao đổi và tiếp cận các phương pháp dạy và học STEM đang thực hiện tại Vương quốc Anh, xây dựng các nguồn học liệu về phương pháp dạy và học và nuôi dưỡng đam mê khoa học của giới trẻ.
Chia sẻ về việc tại sao các quốc gia đang hướng tới giáo dục STEM, ông Mark Windale, Chuyên gia về giáo dục STEM đến của Đại học Sheffield Halam, Vương quốc Anh cho biết, Giáo dục STEM giúp tăng thêm động lực và thành tích trong các môn học STEM và tăng cường sự tham gia vào các môn học và nghề nghiệp STEM, tăng số lượng các nhóm thiểu số trong các môn học STEM. Đồng thời, thông qua giáo dục STEM giúp giải quyết nhu cầu về lực lượng lao động.
Tại thảo luận bàn tròn các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Giáo dục STEM, vai trò của các bên liên quan đến STEM, hoạt động phát triển Giáo dục STEM ở Việt Nam. Các đại biểu đã cùng thảo luận về thực tế triển khai hoạt động Giáo dục STEM tại Việt Nam và lộ trình xây dựng và triển khai hoạt động Giáo dục STEM tại Việt Nam.
Tin, ảnh: Bảo Chi