Tập huấn về các nội dung về bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm và các chủ thể tham gia chương trình; quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm được bảo hộ để phát triển theo chuỗi giá trị và các công cụ, giải pháp quản lý, truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ 08 – 09/10/2020 tại tỉnh Lạng Sơn, Cục SHTT phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Lạng Sơn tổ chức Lớp tập huấn “Tạo lập, quản lý và khai thác quyền SHTT cho sản phẩm trong khuôn khổ Chương trình OCOP” cho hơn 100 đại biểu là các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thành viên các hiệp hội làng nghề, cán bộ văn phòng chương trình nông thôn mới, cán bộ phòng kinh tế hạ tầng các huyện thị và các cán bộ quản lý các Sở KH&CN của 10 tỉnh/ thành phố khu vực miền Bắc và Bắc Trung Bộ.
Ông Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục SHTT nhận định các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh là những tài sản có giá trị, được xem như những thương hiệu mang tính cộng đồng. Thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của Trung ương và địa phương, thương hiệu của nhiều đặc sản địa phương đã được tạo lập, quản lý và khai thác hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, cải thiện đời sống người dân, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống.
Bà Bế Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn đã chia sẻ những chính sách và công tác hỗ trợ phát triển sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của tỉnh Lạng Sơn. Đề án “Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 - 2020, định hướng 2030” với mục tiêu phấn đấu tiêu chuẩn hóa từ 135 – 140 sản phẩm địa phương và 6 làng văn hóa du lịch cộng đồng, tập trung đa dạng hóa, chế biến sản phẩm theo chuỗi giá trị, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, triển khai đồng thời với các chương trình KH&CN của tỉnh như định hướng nghiên cứu trong các lĩnh vực đặc biệt là nông nghiệp, phát triển nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực, phát triển tài sản trí tuệ và gần đây nhất là Đề án triển khai Chiến lược SHTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025.
Tại buổi tập huấn, nhiều đại biểu tại các địa phương có sản phẩm đặc thù được bảo hộ quyền SHTT như Quýt vàng Bắc Sơn, Gạo nếp cái hoa vàng Bắc Sơn, Thanh long Bình Gia… cũng có những ý kiến đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao giá trị cho sản phẩm, đẩy mạnh, quảng bá các sản phẩm SHTT của huyện, phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, khâu quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Trong khuôn khổ tập huấn, các đại biểu đã khảo sát thực tế tại các vùng nông nghiệp, nông thôn mới và điểm du lịch văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện Bắc Sơn. Tìm hiểu về cách thức sản xuất, sinh hoạt của bà con nông dân và người dân bản địa để làm sao vừa nâng cao đời sống vừa duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Chương trình OCOP giai đoạn 2018 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, các dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân, phát triển kinh tế nông thôn và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Để được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định về an toàn thực phẩm, môi trường và có “câu chuyện sản phẩm”…, trong đó, các yếu tố về đặc tính đặc thù mang lại uy tín, thương hiệu cho sản phẩm được đánh giá cao.
Tin, ảnh: PV