Để cây Susu có mặt rộng khắp trên thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, Sở KH&CN Lào Cai đã đề xuất với Bộ KH&CN triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa” cho sản phẩm Ngọn su su Sa Pa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” trong thời gian qua.
Khai thác ưu thế tự nhiên
Hiện nay, diện tích trồng rau su su tại huyện Sa Pa có trên 265 ha, trong đó có trên 100 ha sản xuất tập trung ở vùng Ô Quý Hồ, khu Violet (thị trấn Sa Pa), đã phát huy đặc tính nguyên chủng, phẩm chất cao cấp của nó trong điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp là điều kiện lý tưởng để phát triển vùng rau su su cao cấp; Rau su su trồng tại Sa Pa luôn phát triển tốt, cho năng suất cao, chất lượng tốt, ít phải dùng đến các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng.
Rau su su Sa Pa có một đặc điểm rất khác rau su su trồng ở địa phương khác từ kỹ thuật trồng đến chất lượng sản phẩm. Tính đến năm 2010 diện tích và sản lượng su su đạt: 100 tấn quả/ha.
Nhìn chung sản xuất rau su su mới nhằm vào thị trường trong nước, một thị trường rễ tính đang tăng nhanh nhưng sẽ bị cạnh tranh mạnh trong tương lai. Triển vọng của ngành sản xuất này rất lớn với điều kiện đầu tư thích đáng và đồng bộ từ nghiên cứu, tổ chức sản xuất, đóng gói, vận chuyển, tiêu chuẩn chất lượng, nhãn hiệu tiếp thị,…lĩnh vực này còn rất hạn chế.
Với một thị trường ngày càng nhiều hàng hóa cạnh tranh khốc liệt về chất lượng cũng như về giá cả, phân phối thì ý nghĩa quảng bá của nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa cho sản phẩm ngọn su su càng trở nên quan trọng và nó không chỉ dừng lại ở nhiệm vụ giúp nhận biết rộng rãi và phân biệt trên thị trường, mà còn đại diện cho tất cả toàn bộ những nhận thức của khách hàng khi họ nghe, thấy, liên tưởng hoặc nhắc đến. Khi những nhận thức của khác hàng càng tích cực về nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa thì nó sẽ tạo ra các giá trị vô hình rất lớn cho nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa cho sản phẩm ngọn su su.
Định hướng chiến lược nhãn hiệu tập thể rau Su Su Sa Pa được xây dựng một cách tổng hợp, nhằm đưa ra các kế hoạch và chiến lược dài hạn để xây dựng nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa cho sản phẩm ngọn su su trở thành nhãn hiệu có uy tín trên thị trường trong nước. Nội dung định hướng chiến lược nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa được nghiên cứu trên 03 vấn đề chủ yếu như: Cấu trúc nền nhãn hiệu; Định vị nhãn hiệu, Định hướng chiến lược Marketing;
Nâng cao và ổn định chất lượng sản phẩm: Để có thể xây dựng một nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa cho sản phẩm ngọn su su mạnh thì nền tảng đầu tiên chính là chất lượng sản phẩm. Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa và đảm bảo chất lượng đồng đều, tổ chức tập thể/doanh nghiệp cần áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt ngay từ khâu chọn giống, trồng, thu hái, bảo quản và trong quá trình vận phân phối, đây được xem là chiến lược quan trọng hàng đầu.
Với phương châm “chất lượng là uy tín, là sự tồn tại và phát triển của nhãn hiệu tập thể ngọn su su Sa Pa cho sản phẩm ngọn su su”, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo theo đúng cáo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm thỏa mãn tốt nhất mong muốn của khách hàng đối với sản phẩm đặc trưng.
Làm giàu cho người nông dân
Chính vì lẽ đó, mà dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Ngọn su su Sa Pa” cho sản phẩm Ngọn su su Sa Pa của huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai” do TS. Nguyễn Quốc Trị, GĐ Sở Khoa học Công nghệ Lào Cai chủ trì đã được phê duyệt và triển khai trong thời gian vừa qua.
Dự án với mục tiêu cơ bản là xác lập quyền bảo hộ nhãn hiệu tập thể “su su Sapa”, đảm bảo quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể hợp pháp cho các tổ chức cá nhân có đủ điều kiện sử dụng, đồng thời ngăn chặn và chống các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu tập thể. Để có một tổ chức đại diện đứng ra đảm bảo các quyền lợi cho người trồng su su nên tổ chức Hội người sản xuất kinh doanh su su huyện Sa Pa đã được thành lập.
Ba vùng chuyên canh sản xuất rau được chọn triển khai dự án là Sa Pa, Bắc Hà và TP. Lào Cai với trên 1.500 hộ gia đình của gần 20 xã. Chủ yếu vẫn sử dụng các loại rau truyền thống như dưa chuột, cà chua, sup lơ, su hào, cải bắp, su su, đậu đũa…, đặc biệt là các loại rau mà một số tỉnh không sản xuất được trong mùa hè. Ngoài việc sản xuất sản phẩm, dự án cũng tiến hành triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, trong đó có việc xây dựng mạng lưới quản lý chất lượng rau, kiểm tra dư lượng thuốc BVTV, trang bị một số thiết bị đóng gói cho các tổ chức, cá nhân sản xuất tiêu thụ rau an toàn và tiến tới xây dựng hệ thống bảo quản, tiêu thụ rau.
Cũng từ dự án Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa ra đời với mục tiêu nhằm phát triển bền vững sản phẩm đặc sản, đồng thời bảo vệ lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh su su. Các hoạt động của Hội được tập trung vào việc giúp đỡ các hội viên về kinh tế và kỹ thuật sản xuất, kinh doanh dịch vụ nghề rau - quả trên cơ sở trao đổi kinh nghiệm, phổ biến và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới. Bên cạnh đó các hội viên còn cùng nhau tham gia phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và chia sẻ khó khăn trong quá trình sản xuất, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất trong kinh doanh, tạo nguồn nguyên liệu, tìm kiếm thị trường, tăng cường khả năng cạnh tranh của loại sản phẩm đặc sản này. Ngoài ra, Hội còn giữ vai trò bảo vệ lợi ích kinh tế chính đáng, hợp pháp của hội và hội viên về những vấn đề liên quan đến phát triển su su Sa Pa. Các hội viên khi tham gia cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ Hội.
Vừa qua, dự án đã được nghiệm thu và được hội đồng đánh giá cao. Dự án đã hoàn thành các thủ tục pháp lý xin thành lập và đưa Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa đi vào hoạt động. Dự án đã xây dựng được 1 số các quy chế phục vụ cho việc cấp và sử dụng nhãn hiệu tập thể; hệ thống văn bản phục vụ công tác quản lý nhãn hiệu tập thể và thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu. Năm 2011, Hội người sản xuất, kinh doanh Su su huyện Sapa đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể “su su Sapa”cho các sản phẩm rau su su tại Cục Sở hữu trí tuệ .
Nhiều người dân khẳng định, nhãn hiệu su su đã làm tăng giá trị của sản phẩm, trên thị trường hiện nay, su su mang nhãn hiệu tập thể có giá bán cáo hơn từ 3000-4000đồng/kg so với sản phẩm su su cùng loại của huyện Sa Pa không mang nhãn hiệu. Sản phẩm su su mang nhãn hiệu tập thể “Su su Sa Pa” hoàn toàn được trồng và phát triển tự nhiên, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt chất kích thích khác.
Cây su su đã và đang làm thay đổi đời sống kinh tế và xã hội tại huyện Sa Pa một cách tích cực. Hiện nay các sản phẩm từ cây su su của huyện Sa Pa đã được bán tại nhiều tỉnh miền Bắc, nhiều hộ gia đình đã vươn lên làm giàu từ chính cây su su, Đỗ Thị Liên Phó Chủ tịch Hội người Sản xuất và kinh doanh su su Sa Pa, cho biết.
Ngoài ra, Dự án đã kết nối được các hộ trồng su su đơn lẻ thành mô hình hội với sự liên kết chặt chẽ, chủ động và tích cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian đầu năm 2011, khi thành lập Hội chỉ có 20 thành viên, đến cuối năm 2012, nhận thấy lợi ích của việc sản xuất su su mang nhãn hiệu tập thể, đã có 50 người gia nhập Hội, chiếm 80% số hộ gia đình trồng và kinh doanh su su.
Bài, ảnh: Gia Anh