Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 22/11/2024 , 11:46 pm
Cập nhật : 15/10/2014 , 22:10(GMT +7)
Tăng giá trị “Gạo Điện Biên” bằng chỉ dẫn địa lý
Nông dân thu hoạch lúa
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 3340 /QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00043 cho sản phẩm gạo Điện Biên nổi tiếng. Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này. Đây là một trong những kết quả hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Sở hữu trí tuệ thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Chủ nhiệm dự án, Đặng Văn Khán, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên cho biết, trong quá trình tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý ”Điện Biên” cho sản phẩm gạo thì giá sản phẩm cuối năm 2010 đã tăng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2009. Một ý nghĩa quan trọng nữa là chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo tạo điều kiện cho sản phẩm này mở rộng và tiếp cận nhiều hơn nữa với thị trường quốc tế, với thương hiệu gạo “Điện Biên” có chỉ dẫn địa lý và nguồn gốc rõ ràng.

Tái ổn định nhờ cây lúa

Cánh đồng Mường Thanh với nhiều ưu đãi của tự nhiên ban tặng đã sản xuất ra nhiều loại gạo chất lượng cao và thực tế nhiều năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân đã có cuộc sống ổn định nhờ canh tác cây lúa, trong đó có những hộ thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, cho đến nay, hiệu quả kinh tế đó mới thể hiện ở quy mô gia đình nhỏ lẻ, và cho dù vẫn mang danh “đóng vai trò chủ đạo” nhưng sự đóng góp cụ thể của hạt gạo Điện Biên ở tầm “vĩ mô” – lợi nhuận trong ngành nông nghiệp nói riêng, nền kinh tế của tỉnh nói chung vẫn còn bị thất thoát.

Theo khảo sát cho thấy, đa số người dân đều bán lúa ngay sau khi thu hoạch. Lúa được bán cho những thương lái thu gom, hộ xay xát và một số nhà buôn lớn. Một số hộ dân bán phần lớn thóc sau thu hoạch để trang trải cho những khoản chi tiêu trong quá trình sản xuất, sinh hoạt và những việc khác, sau đó họ lại mua gạo có chất lượng trung bình để sử dụng. Qua đó cho thấy, lúa vùng lòng chảo Điện Biên có giá trị hàng hóa lớn. Có trên 80% nông dân và người kinh doanh thóc, gạo được hỏi cho biết họ không gặp khó khăn để tiêu thụ sản phẩm gạo.

Lý giải nguyên nhân trên, Ông Đặng Văn Khán cho biết, để xảy ra tình trạng  này cũng bởi cho đến nay chúng ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu gạo Điện Biên chính hiệu như các loại gạo Séng Cù (Mường Khương, Bát Xát, tỉnh Lào Cai); Tám thơm, Nếp cái hoa vàng (Nam Định)… Gạo Điện Biên cung cấp về Hà Nội bị đóng bao hoặc là “tù mù” trong các bao không nhãn mác đăng ký, hoặc là “loạn xì ngầu” với nhiều tên gọi: “Gạo tám Điện Biên đặc sản” do Công ty XNK nông lâm sản thực phẩm Đông Nam Á (Hà Nội) đóng bao; “Gạo tám Điện Biên” do Công ty cổ phần TBH (Hà Nội) đóng bao; “Gạo Điện Biên tám thơm Ngọc Khuê”; “Tám Điện Biên – Đặc sản Tây Bắc”...

Chính vì vậy, việc Xây dựng chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” cho sản phẩm gạo của tỉnh Điện Biên là cơ sở khoa học và thực tiến làm tăng giá trị và bảo vệ thương hiệu cho nông sản gạo trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội cho người dân đồng bào các dân tộc vùng lòng chảo Điện Biên nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung.

Cánh đồng lúa lòng chảo Điện Biên

Nâng cao vai trò Hiệp hội

Cũng theo ông Đặng Văn Khán, sản phẩm gạo Điện Biên được đăng bạ chỉ dẫn địa lý sẽ làm cho mối quan hệ giữa đất, khí hậu, môi trường và con người được nhấn mạnh thêm, đặc biệt là tại nơi có nhiều di tích lịch sử được nhiều người trong nước và quốc tế biết đến với tên “Điện Biên”. Đây là cơ hội để thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong vùng phát triển, mức sống người dân được nâng lên.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng sản phẩm có Chỉ dẫn địa lý sẽ an tâm hơn vì họ được bảo vệ quyền lợi. Khi dự án hoàn thành, nông dân sẽ quan tâm với việc tự quản lý sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý “Điện Biên”.

Đặc biệt, việc Hiệp Hội gạo Điện Biên được thành lập là tất yếu một khi chỉ dẫn địa lý gạo “Điện Biên” được bảo hộ, đóng vai trò quan trọng như chủ thể xây dựng đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Thông qua việc thực hiện tất cả các hoạt động từ sản xuất chế biến đến tiêu thụ nhằm đảm bảo điều kiện sản xuất tốt nhất cho nông dân, giúp nông dân nâng cao thu nhập và sản xuất ổn định. Hiệp Hội giám sát các quy trình kỹ thuật để tạo nên sản phẩm chất lượng góp phần tăng uy tín sản phẩm, Hiệp Hội qua đó tăng uy tín thương hiệu.

Ngoài ra, nông dân vùng lòng chảo Điện Biên là những người trực tiếp tiếp nhận các kỹ thuật chuyển giao và là người trực tiếp sản xuất ra gạo “Điện Biên”. Họ là những người nắm bắt rõ nhất về điều kiện tự nhiên, kỹ thuật canh tác, và những khó khăn trong quá trình sản xuất của giống lúa chất lượng ở đây. Chính vì vậy nông dân là những người có vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng sản phẩm, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo nên thương hiệu gạo “Điện Biên” bền vững.

Cùng với đó, tỉnh cần xúc tiến huy động các doanh nghiệp địa phương, kết hợp với nông dân, các cơ sở chế biến trong việc phát triển, khai thác chỉ dẫn địa lý, khuyến khích sự liên kết giữa các thành phần trong ngành hàng. Mạnh dạn thành lập HTX, hiệp hội thu gom và tiêu thụ sản phẩm gạo do nông hộ sản xuất ra. Thường xuyên theo dõi tình hình biến động của thị trường tiêu thụ qua các phương tiện thông tin đại chúng để có những quyết định đúng.

Bài, ảnh: Thu Minh










Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner