Trước việc những sản phẩm, nhãn hiệu Việt Nam gặp vấn đề về sở hữu trí tuệ (SHTT) tại nước ngoài, ông Tạ Quang Minh – Cục trưởng Cục SHTT cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý SHTT, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan cũng như các cơ quan tham tán ở nước ngoài có những biện pháp trợ giúp các DN đó đăng ký lại tài sản trí tuệ của mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là DN cần phải có sự quan tâm, đầu tư bởi đó chính là tài sản của họ…
Trong năm 2012, SHTT tiếp tục trở thành vấn đề được các quốc gia đặc biệt quan tâm trong tiến trình hội nhập thương mại quốc tế. Đây cũng là năm đánh dấu sự hội nhập khá mạnh mẽ của Việt Nam trong lĩnh vực SHTT với việc khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với châu Âu và tích cực tham gia các buổi làm việc liên quan đến đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm nay. Ở trong nước, chính sách khai thác tối đa lợi ích từ tài sản trí tuệ, hỗ trợ và đồng hành cùng DN và địa phương trong quá trình phát triển kinh tế tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh, đặc biệt trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý các đặc sản địa phương, nhất là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.
Theo ông Tạ Quang Minh, vấn đề trọng tâm mà Cục SHTT hướng tới trong năm 2013, đó là tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành, làm sao để các văn bản ấy đi vào cuộc sống. Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức của công chúng, của DN nói chung về SHTT, triển khai những hoạt động xác lập quyền một cách hiệu quả nhất, tránh những thủ tục phiền hà gây khó cho DN. Đồng thời, sẽ tham mưu cho Bộ KHCN hình thành đề án phát triển thị trường SHTT. |
Theo thống kê của Cục SHTT, trong 6 tháng đầu năm 2012 tổng lượng đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp nộp vào Cục tiếp tục có chiều hướng tăng ổn định: đơn sáng chế, nhãn hiệu tăng khoảng 7%, đơn kiểu dáng công nghiệp tăng 13%, đơn chỉ dẫn địa lý cũng đạt mức tăng gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2011. Tính đến nay, Cục SHTT đã tiếp nhận 68.884 đơn các loại, trong đó, 40.432 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, 28.452 đơn các loại khác. Cục đã xử lý 63.783 đơn, cụ thể 37.832 đơn đăng ký xác lập quyền và 25.951 đơn các loại khác.
Cả nước đã có 127 tổ chức được ghi nhận đủ điều kiện hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. Việc xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp ở các địa phương tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng nhái, hàng giả về nhãn hiệu và xâm phạm kiểu dáng công nghiệp được làm chặt chẽ hơn. Đến nay, đã xử lý trên 1.000 vụ xâm phạm nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Các hình thức xử phạt chủ yếu là phạt hành chính, với mức phạt tối đa 500 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chủ của quyền SHTT kiện ra tòa và chứng minh được thiệt hại bao nhiêu sẽ được bồi thường bấy nhiêu. Đối với những nhãn mác gây nguy hiểm cho xã hội hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan công an sẽ vào cuộc điều tra và tiến hành xử lý hình sự.
Tuy nhiên, ông Tạ Quang Minh thừa nhận, thực tế nhận thức của chúng ta về SHTT còn chưa cao. Chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc xác lập quyền SHTT của chúng ta ở lãnh thổ Việt Nam mà chưa hiểu rằng quyền SHTT chỉ bảo hộ ở phạm vi lãnh thổ chứ chưa được bảo hộ ở các lãnh thổ khác, đặc biệt là ở các nước mà sản phẩm của họ có mặt. Do vậy, một số nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam đã bị các DN nước ngoài chiếm dụng đăng ký.
Từ thuốc lá Vinataba, cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc, PetroVietnam và gần đây nhất là thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng Việt Nam đã bị một DN Trung Quốc đăng ký độc quyền tại nước này. Là một quốc gia nổi tiếng với nhiều sản phẩm nông sản như sầu riêng Nhơn Thành, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn, gạo tám Hải Hậu… song việc quan tâm đến đăng ký chỉ dẫn địa lý, thương hiệu còn rất mù mờ và ít. Trong bối cảnh, cả thế giới đều quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, thì việc đăng ký thương hiệu, bảo hộ độc quyền là cần thiết.
Ông Minh chia sẻ, trước việc những sản phẩm, nhãn hiệu Việt Nam đang gặp vấn đề về SHTT tại nước ngoài với tư cách là cơ quan quản lý SHTT, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan quản lý SHTT, các Sở khoa học công nghệ ở địa phương, các cơ quan tham tán về khoa học công nghệ ở nước ngoài có những biện pháp trợ giúp các DN đó để đăng ký lại tài sản trí tuệ của mình. Để hạn chế tình trạng này, bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thông qua các chương trình hỗ trợ DN, Cục sẽ trực tiếp giúp đỡ DN trong việc đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng của mình ở nước ngoài về chuyên môn, nghiệp vụ và các thủ tục cần thiết. “Tuy nhiên để đạt được hiệu quả thì điều quan trọng nhất vẫn nằm ở DN, bản thân DN phải có sự quan tâm, đầu tư bởi đó chính là tài sản của họ. Nếu họ không quan tâm thì không ai có thể làm thay họ được”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo ông Trần Việt Hùng, nguyên Cục trưởng Cục SHTT, Việt Nam đã tham gia vào Hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế (WIPO) theo Nghị định thư Madrid, vì thế, nếu muốn đăng ký ở châu Âu thì không cần đăng ký từng nước mà sẽ có hiệu lực tại tất cả các nước tham gia nghị định thư này. Theo đó, kinh phí để đăng ký bảo hộ độc quyền từ 10-20 nước hiện mất khoảng 1.000-2.000 USD, bảo hộ trong thời gian 10 năm, sau đó kinh phí gia hạn sẽ rẻ hơn. Nếu đăng ký bảo hộ độc quyền trên thế giới, thì nên chọn lựa những nước chúng ta xuất khẩu nhiều, hoặc những đối tác tiềm năng…/.