Tỉnh Bắc Giang xác định sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò tích cực như một động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao trình độ công nghệ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu tài sản trí tuệ góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.
Ngày 12/3/2021 vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản - đối tác chiến lược của Việt Nam. Đây là niềm tự hào của tỉnh Bắc Giang nói riêng và của cả nước nói chung.
Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang
PV: Xin ông cho biết các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ tại tỉnh Bắc Giang?
- Ông Mai Sơn: Tỉnh Bắc Giang xác định SHTT có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Do vậy, những năm qua tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch để xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy hoạt động sáng kiến như: Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang sửa đổi, bổ sung Quyết định số743/2014/QĐ-UBND ngày 28/10/2014 Quy định quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Nghị quyết số 44/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành quy định chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 14/2019/NQ-HĐND ngày 11/7/2019 Nghị quyết quy định nội dung, mức chi ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể là, hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp như: Hỗ trợ 50 % chi phí tư vấn, thiết kế, đăng ký với mức tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu; Hỗ trợ 50% thiết kế mới hoặc nâng cấp mẫu mã bao bì sản phẩm với mức tối đa 200 triệu đồng trên một sản phẩm; Hỗ trợ 50% chi phí tem truy xuất nguồn gốc với mức tối đa 20 triệu đồng trên một sản phẩm...
Đặc biệt, Bắc Giang có thế mạnh phát triển nông nghiệp với nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hoá phong phú, có giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua tỉnh đã tập trung hỗ trợ xác lập quyền sở hữu với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm tiềm năng của tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 802/KH-UBND về phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020. Riêng đối với sản phẩm vải thiều, tỉnh đã xây dựng đề án "Phát triển sản phẩm vải thiều hướng tới đạt tiêu chí sản phẩm quốc gia giai đoạn 2017-2020”. Trong đó, thông qua các đề tài, dự án khoa học và công nghệ để triển khai một số nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ doanh nghiệp HTX, tổ hợp tác được cấp giấy chứng nhận GlobalGAP với mức 15 triệu đồng/giấy chứng nhận, hỗ trợ 30% kinh phí mua dây chuyền, thiết bị bảo quản vải thiều với mức tối đa 2 tỷ đồng và 100% kinh phí chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cho thiết kế bao bì 25 triệu đồng,…
PV: Định hướng phát triển và khai thác thương mại các sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tỉnh được triển khai như thế nào, thưa ông?
Vải thiều Lục Ngạn ra hoa đạt 95%
- Đối với những sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền SHTT, sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao về số lượng và chất lượng sản phẩm. Sản phẩm phải được sản xuất theo đúng quy trình, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, thực hành sản xuất nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP), thiết lập và áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó là đẩy mạnh hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đối với sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát và xử lý xâm phạm quyền SHTT, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền.
Bên cạnh đó, tiếp tục tăng số lượng và chất lượng sản phẩm mới được đăng ký bảo hộ quyền SHTT. Cụ thể là, tăng số lượng sản phẩm mới được đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, quyền tác giả... Đến năm 2025 toàn tỉnh phấn đấu có ít nhất 04 chỉ dẫn địa lý, 08 nhãn hiệu chứng nhận, 80 nhãn hiệu tâp thể, số đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp tăng 5%/năm. Đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang thuộc nhóm các tỉnh có mức độ khá về trình độ sáng tạo, bảo hộ và khai thác quyền SHTT.
PV: Vậy, ông có kỳ vọng gì vào việc xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn trong thời gian tới? Bắc Giang có định hướng chính sách gì để phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn trong lâu dài?
- Năm 2021, dự kiến diện tích vải thiều toàn tỉnh là 27.700 ha, sản lượng 160.000 tấn. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn diện tích là 15.450 ha, sản lượng trên 120.000 tấn. Cơ hội xuất khẩu vải thiều trong thời gian tới là rất lớn bởi những lý do sau:
Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại quốc tế đó là cơ hội tốt để gia tăng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm vải thiều ra thế giới.
Thứ hai, vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường. Ngoài các thị trường truyền thống dễ tính như Trung Quốc, ASEAN đến nay vải thiều Lục Ngạn đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc… mặc dù với số lượng nhỏ nhưng đó là cơ hội để gia tăng về sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới.
Thứ ba, chất lượng vải thiều Lục Ngạn ngày càng được nâng cao bởi việc áp dụng các quy trình kỹ thuật thực hành nông nghiệp (VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ), giá cả quả vải trong vài năm gần đây ổn định hơn tạo đà động lực để người dân, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu vải thiều.
Thứ tư, vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ ở 07 quốc gia. Đặc biệt gần đây nhất là vải thiều Lục Ngạn đã được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam giao thương về kinh tế, giao lưu về văn hóa với Nhật Bản nhưng cũng là thách thức để vải thiều xuất khẩu ngày càng nhiều hơn vào thị trường khó tính này. Chuẩn bị vụ vải năm nay đã có 8 doanh nghiệp đặt vấn đề thu mua và 01 doanh nghiệp đã đến khảo sát, chọn địa điểm tiến hành triển khai xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản. Năm 2021, dự kiến xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn vào Nhật Bản trên 1000 tấn.
Có thể nói rằng, chúng tôi đặt kỳ vọng về xuất khẩu vải thiều Lục Ngạn. Trong thời gian tới sẽ gia tăng cả về số lượng, chất lượng và giá trị sản phẩm vải thiều. Thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" ngày càng được mở rộng và có uy tín trên thị trường toàn cầu.
PV: Để phát triển bền vững thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn”, tỉnh Bắc Giang cần có những định hướng, chính sách như thế nào, thưa ông?
- Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện các chính sách đã ban hành về hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong đó có sản phẩm vải thiều. Rà soát và ban hành chính sách mới phù hợp với thực tiễn nhằm phát triển ổn định bền vững cây vải thiều. Duy trì và nâng cao chất lượng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, mở rộng mô hình sản xuất vải thiều hữu cơ. Song song với đó là triển khai nhân rộng việc áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để nhận diện và truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm vải thiều. Đồng thời, cần hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến về bảo quản, chế biến vải thiều sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải thiều theo chuỗi giá trị; hỗ trợ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều Lục Ngạn.
Bài, ảnh: Đăng Minh