Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Hội nhập Quốc tế Thứ năm, 21/11/2024 , 11:29 pm
Cập nhật : 03/11/2021 , 17:11(GMT +7)
Sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp bứt phá
Phiên thảo luận tại Lễ Công bố
Các báo cáo khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được công bố cho thấy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng.

Đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đều có xu hướng tăng

Tại sự kiện, đại diện các đơn vị xây dựng đã chia sẻ về những nội dung quan trọng của báo cáo. Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam - Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” là một dự án một nghiên cứu chung giữa Bộ KH&CN Việt Nam và tổ chức CSIRO’s Data61 của Úc được thực hiện thực hiện từ 01/2020 đến 06/2021. Dự án này là một nội dung của Hợp phần trao đổi chính sách trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo (Aus4Innovation) do Bộ KH&CN Việt Nam và Sứ quán Australia tại Việt Nam đồng chủ trì từ năm 2017. Dự án hướng tới xây dựng các công cụ đánh giá hiện trạng và tác động của các hoạt động sáng tạo và đổi mới công nghệ tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dự án có sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học quốc tế và Việt Nam, nhận được góp ý của nhiều chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học từ các tổ chức quốc tế như WB, UNIDO, ADB,v.v. cũng như các tổ chức khoa học và công nghệ uy tín.

Một cơ sở dữ liệu về kinh doanh và công nghệ (với trên 4.5 triệu biểu ghi) của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2001-2019 được tổng hợp, phân loại đồng bộ, thống nhất. Trên cơ sở đó, các mô hình toán kinh tế tiên tiến  đã được áp dụng để bước đầu định lượng được đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế, cũng như cơ chế khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tác động vào nền kinh tế của Việt Nam. 

Những kết quả của dự án có thể là nguồn dữ liệu tham khảo quan trọng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó các yếu tố về hiệu quả và tính sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng, vượt qua các yếu tố cơ bản là vốn và lao động giá rẻ, cụ thể như sau:

Trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy, lần đầu tiên đóng góp của đổi mới công nghệ đã vượt đóng góp của thâm dụng vốn và chiếm tới hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn này cũng ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp hàng đầu trong việc mở rộng đường biên công nghệ thông qua phát triển và ứng dụng công nghệ mới, qua đó đóng góp khoảng 10% vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Xét cả giai đoạn 2001-2019, đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đều có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế. Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đầu tư và ngày càng hưởng lợi từ đổi mới, phát triển công nghệ. Việc nâng cao năng lực quản trị, trình độ nguồn nhân lực KH&CN của doanh nghiệp cũng như cải thiện các năng lực phi công nghệ (tổ chức, cơ cấu, văn hóa doanh nghiệp) là rất quan trọng để đáp ứng các yêu cầu của đổi mới công nghệ. Năng suất trung bình của Việt Nam có thể tăng 23% nếu giải quyết được những rào cản về quản lý và tổ chức này.

Báo cáo cũng chỉ ra tăng chi tiêu R&D cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm đến năm 2045. Lợi nhuận tiềm năng về tiêu thụ thực tế và đầu tư cũng đạt được mức đáng kể ở cả các kịch bản

Trên cơ sở các kết quả được tính toán, dự án đã phân tích, nhận dạng mô hình phát triển cho Việt Nam và đề xuất một số khuyến nghị, chính sách cần triển khai trong thời gian tới.

Tạo động lực cho doanh nghiệp dám đổi mới công nghệ

Tại Phiên thảo luận, các nhà quản lý, khoa học, và doanh nghiệp đã cùng thảo luận về vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với phát triển kinh tế - xã hội và tại doanh nghiệp.
 
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, không có mô hình mẫu về đổi mới sáng tạo cho tất cả doanh nghiệp mà phải tìm bước đi phù hợp với năng lực và trình độ của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông khẳng định, sáng tạo và đổi mới công nghệ sẽ là chìa khóa cho doanh nghiệp muốn bứt phá. Theo đó, tại Rạng Đông đã xây dựng 3 trung tâm nghiên cứu (ánh sáng, công nghệ số và phát triển các mô hình kinh doanh trên nền tảng thương mại số) với mục đích hướng tới là sáng tạo, thiết kế tại Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất nhưng sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao.
 
 
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Phiên thảo luận
 
Bà Phạm Hiền, Dự án Data61- CSIRO, đánh giá khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là trụ cột trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Australia. Bà cho biết, Việt Nam đang được hưởng lợi từ việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thấy sự khác biệt giữa các ngành nghề khác nhau đã và đang tận dụng kết quả của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, có nhiều ngành mới nổi vẫn cần phải tiếp tục tích lũy kiến thức đổi mới sáng tạo và làm thế nào để thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ. Thông qua các nghiên cứu gần đây, bà Phạm Hiền cho biết nhiều ngành tại Việt Nam có phát triển mạnh mẽ về khoa học và công nghệ như ngành năng lượng (năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, gió, quản lý điện lực). Đặc biệt, ngành dược trở thành lĩnh vực nổi trội trong việc áp dụng đổi mới sáng tạo trong việc đưa ra sản phẩm mới. 
 
Chia sẻ thông tin tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, các báo cáo công bố là kết quả của quá trình làm việc kỹ lưỡng của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam. Báo cáo cho thấy bức tranh khách quan, chân thực cho thấy điểm mạnh điểm yếu, chỉ ra một số vấn đề trong đổi mới sáng tạo có sự mất cân đối phát triển tạo ra tri thức và hấp thụ tại doanh nghiệp. Nhìn từ báo cáo nước đang phát triển Đông Á chỉ rõ, đầu tư khoa học và công nghệ chưa đến được ngưỡng cần thiết để tạo ra bước nhảy vọt cho nền kinh tế, Việt Nam cũng nằm trong nhóm này.
 
Một thực tế các doanh nghiệp sản xuất vẫn là sử dụng công nghệ 1.0 (sản xuất bằng tay), 2.0 (tự động chưa kết nối máy tính) và có khoảng cách rất xa ở mức 4.0. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cần có đầu tư tạo động lực cho doanh nghiệp để dám đổi mới công nghệ nhằm phát triển bền vững hơn. Thời gian qua, các doanh nghiệp vẫn duy trì được và phát triển tốt trong đại dịch là minh chứng rõ nhất cho việc đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
 
Nhấn mạnh về mạng lưới kết nối viện, trường trong việc tham gia quá trình đổi mới công nghệ, PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng, Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết việc hợp tác giúp đưa kết các nghiên cứu "đúng và trúng vấn đề doanh nghiệp đang quan tâm". Theo ông cần phải có định hướng dài hạn giúp các doanh nghiệp nhận ra các yêu cầu như vấn đề chuyển đổi số, đổi mới công nghệ và cần tìm cách đưa nghiên cứu ra chào hàng với doanh nghiệp. Đích cuối cùng của việc nghiên cứu vẫn là được ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực trẻ.
 

Bài, ảnh: Nhóm PV


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner