Hội nghị lần thứ 86 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo ASEAN (COSTI-86) và các cuộc họp liên quan diễn ra từ ngày 7-11/10/2024 tại Singapore. Đoàn đại biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị COSTI-86 gồm đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cùng đại diện các Bộ, cơ quan liên quan là đầu mối phụ trách các Tiểu ban chuyên ngành thuộc COSTI.
Hội nghị COSTI-86 cập nhật tình hình hoạt động của 9 Tiểu ban, báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2024 và thông qua các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Cụ thể, trong năm 2024, COSTI đã triển khai 4 nhiệm vụ quan trọng: hoàn thiện xây dựng Nền tảng quản lý công nghệ ASEAN, hoàn thiện Chiến lược cơ sở hạ tầng nghiên cứu cho khu vực ASEAN, hoàn thiện Sáng kiến khởi nghiệp ASEAN, hoàn thiện Hướng dẫn đánh giá khả năng phục hồi năng lượng.
Hội nghị cũng thông qua các đề xuất 5 nhiệm vụ mới cho năm 2025, bao gồm: đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về quản lý và đánh giá rủi ro an toàn hạt nhân, tích hợp trí tuệ nhân tạo để nâng cao chất lượng phân tích học thuật cho Tạp chí ASEAN về phát triển khoa học và công nghệ, kết nối Cộng đồng di chuyển nhân tài ASEAN, xây dựng mạng lưới an toàn pin ASEAN, xây dựng hạ tầng điện toán hiệu suất cao cho ASEAN để hỗ trợ nghiên cứu trong điện toán tiên tiến.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.
Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị là việc xây dựng Kế hoạch hành động ASEAN về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (APASTI) giai đoạn 2026-2035. Khi hoàn thiện, APASTI 2026-2035 sẽ trở thành kim chỉ nam, định hướng chương trình làm việc cũng như các ưu tiên của COSTI cho 10 năm tiếp theo, với mục tiêu đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển của khu vực, phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững, xoá bỏ khoảng cách công nghệ và không để ai bị bỏ lại phía sau. Để hiện thực hoá các mục tiêu này, cần phải xây dựng hệ thống đánh giá, đo lường toàn diện hệ thống khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực.
Quá trình xây dựng APASTI 2026-2035 được triển khai với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Khoa học và Nghiên cứu công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO). Đến nay 02 hội thảo tham vấn đã được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan hiện trạng khoa học và công nghệ của ASEAN, dự báo các xu hướng công nghệ mới cũng như các thách thức toàn cầu và khu vực, từ đó xác định các vấn đề cần xem xét, phác thảo các điểm chính của lộ trình 10 năm tới. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng APASTI 2026-2035.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị COSTI-86, đại diện COSTI của các nước ASEAN cũng tham gia Phiên họp hẹp để thảo luận, làm rõ sự khác biệt giữa các sáng kiến ưu tiên kinh tế, các nhiệm vụ trọng tâm hằng năm và các dự án của COSTI. Việc đưa ra các tiêu chí cụ thể sẽ giúp COSTI xác định, điều phối tốt hơn việc huy động nguồn lực để triển khai các sáng kiến, nhiệm vụ, dự án trong tương lai.
Bên lề COSTI-86 cũng diễn ra Hội nghị tham vấn khoa học và công nghệ ASEAN-Hoa Kỳ lần thứ 12 (AUSCST-12). Vụ trưởng Vụ Hợp tác Khoa học và Công nghệ, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng chủ trì Hội nghị với Tiến sĩ Hul Siengheng, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Campuchia, Chủ tịch COSTI nhiệm kỳ 2024-2025. Tại Hội nghị AUSCST-12, nền tảng Giáo dục trực tuyến 4.0 của ASEAN chính thức được ra mắt. Đây là kết quả hợp tác giữa COSTI và Hoa Kỳ năm nay và cũng là một sáng kiến ưu tiên kinh tế năm 2024 trong năm Lào Chủ tịch ASEAN. Hội nghị cũng diễn ra Lễ trao giải Phụ nữ trong khoa học ASEAN-Hoa Kỳ, kỷ niệm một thập kỷ tôn vinh những người phụ nữ xuất sắc đã có đóng góp đáng kể cho nền khoa học của khu vực và thế giới. Nhân dịp này, Hiệp hội các phòng thử nghiệm Hoa Kỳ, nhà tài trợ giải thưởng đã công bố thành lập Trung tâm Phụ nữ trong STEM của ASEAN nhằm kết nối mạng lưới, hỗ trợ các ý tưởng nghiên cứu mới.
Tin, ảnh: PV