Hầu hết những giải pháp kỹ thuật đơn giản của những nhà sáng chế không chuyên được tạo ra từ những thiết bị sẵn có trên thị trường. Hiệu quả lao động của những sáng chế này rất đáng ghi nhận bởi nó dựa trên “đơn đặt hàng của cuộc sống”.
Giá trị sử dụng cao từ sản phẩm
Hiện có nhiều giải pháp kỹ thuật do nhà nông ở các địa phương trong cả nước tạo ra đem lại giá trị sử dụng cao. Cụ thể, việc chế tạo thành công máy bóc và thái hành tự động của tác giả Nguyễn Văn Sành (xã Nam Trung, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) đã tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ trong thôn với việc sơ chế hành tỏi cho các đối tác Trung Quốc. Tốc độ thái của máy rất nhanh: gần 5,5 tạ hành, tỏi/ngày, bằng năng suất của 20 người làm việc cật lực theo phương thức thủ công.
Hay như, máy gieo hạt của tác giả Nguyễn Hồng Chương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) có trọng lượng 130kg, hoạt động bằng động cơ điện, hơi nén, hút chân không, có chức năng tự động thông kim, tự giập vỉ, tự làm sạch máy, chống kẹt vỉ xốp và được dùng để ươm các loại rau, hoa trong vỉ xốp.
Tác giả cho biết, so với loại máy gieo hạt của Australia (giá 12.000USD, tương đương 240 triệu đồng) hiện đang có mặt trên thị trường với công suất chỉ đạt 120 - 130 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng từ 3-5kW/giờ, thì máy của ông Chương chỉ có giá 56 triệu đồng, công suất lại cao hơn, đạt 230 - 250 vỉ/giờ, tiêu thụ điện năng chỉ 0,5kW/giờ.
Đặc biệt, máy có thể thay thế 8 - 12 nhân công/ngày, tiết kiệm 70-80 triệu đồng chi phí thuê nhân công mỗi năm. Đó là chưa kể xưởng sản xuất của ông Chương đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5- 10 lao động trên địa bàn.
Tác giả Nguyễn Văn Hai (phường Xuân An, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã sáng chế ra hệ thống tích nước nhỏ giọt tích hợp bộ điều áp. Sản phẩm này đã khắc phục được nhược điểm của các hệ thống tưới nước trước đây là không tự động điều áp được nước phân bố trên khu vực tưới mà phải dùng đến hệ thống máy bơm hoặc đài nước để tạo đủ áp lực và đưa nước vào đường ống chạy nổi trên mặt đất ảnh hưởng đến các thao tác chăm sóc cây trồng, giá thành cao, v.v..
Hệ thống thích hợp cho những khu vực địa hình đồi núi. Hơn nữa, hệ thống này rất tiết kiệm nước, có thể tưới phun mưa để rửa sương muối và bụi bẩn cho cây. Giải pháp kỹ thuật này của tác giả Nguyễn Văn Hai đã đạt giải tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Thuận lần thứ IV (2010 - 2011),v.v..
Ông Lương Minh Đồng (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cũng đã sáng chế ra máy cày đa năng với giá chỉ 180.000-190.000 đồng nhưng đã giải phóng sức lao động cho nông dân và không cần sử dụng sức kéo của trâu bò, vừa giúp người dân chủ động thời vụ vừa tăng năng suất lao động gấn 5-6 lần trên 1 sào đất.
Thực tế, có nhiều máy móc cải tiến từ máy của nước ngoài với giá thành sau cải tiến giảm ½, thậm chí ¼, ví dụ, dây chuyền sản xuất bột cá của tác giả Đặng Lợi (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) có giá chỉ bằng 1/3 giá thành của thiết bị, công nghệ Thái Lan nhưng chất lượng không thua kém.
Được nhiều người biết đến bởi các sáng chế đặc biệt, ông Trịnh Đình Năng ở Bắc Kạn đã sáng chế ra lò đốt rác thải y tế tiết kiệm năng lượng. Sản phẩm này có khả năng xử lý triệt để các loại chất thải y tế với chi phí thấp nhất, đảm bảo xử lý các chất nguy hại. Trong quả đốt không có điều kiện tái tạo dioxin, furan. Chi phí đầu tư cho hệ thống này chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại.
Tôn vinh sáng tạo
Ông Phạm Phi Anh, Phó Cục trưởng Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Những nhà khoa học “chân đất” tạo ra các sản phẩm hoàn toàn bằng công sức, tiền của, phương tiện của mình với các loại thiết bị đơn giản, chủ yếu là tận dụng các thiết bị cũ, nguyên vật liệu tự chế, tái sử dụng, với kỹ thuật cơ khí thấp. Do vậy máy móc được tạo ra còn thô sơ, thiếu đồng bộ và nhiều trường hợp khó sản xuất đại trà. Ngoài ra, việc cung cấp các bộ phận, phụ tùng dự trữ và bảo dưỡng, bảo trì cũng là một vấn đề.
Các sáng kiến người dân “chân đất” tạo ra đều có giá trị thực tiễn rất cao vì được áp dụng ngay vào sản xuất, góp phần tháo gỡ khó khăn về thiết bị, máy móc trong nông nghiệp, trong sinh hoạt hằng ngày, giảm nặng nhọc trong lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất của người dân địa phương.
Bên cạnh đó, những sáng tạo của họ lại phù hợp với khả năng kinh tế của người dân Việt Nam. Hầu hết máy móc được bán ra thị trường với mức giá vừa phải, thậm chí thấp hơn máy móc nhập ngoại có công dụng tương đương, chưa kể đến máy móc do các tác giả nông dân sáng tạo ra lại phù hợp hơn với điều kiện lao động ở Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều hoạt động để hỗ trợ cho người dân có ý tưởng sáng tạo, những sáng kiến, giải pháp kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn góp phần đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất, giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Điều này được thể hiện thông qua các Hội chợ, triển lãm về KH&CN, chợ công nghệ và thiết bị (techmart) hàng năm, nhiều kết quả đã được thương mại hóa và nhận được hỗ trợ của các Bộ, ngành địa phương cũng như các doanh nghiệp...
Hướng tới kỷ niệm ngày KH&CN Việt Nam lần thứ 2 (18/5/2015), năm nay lần đầu tiên Bộ KH&CN tổ chức gặp gỡ, tọa đàm giữa Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ quản lý, chuyên gia khoa học và đại biểu tiêu biểu của phong trào quần chúng nhân dân sáng tạo, những người có sáng chế, cải tiến kỹ thuật trên phạm vi toàn quốc vào đầu tháng 5 tới. Buổi gặp mặt nhằm phát hiện và tôn vinh quần chúng nhân dân có sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và có sản phẩm độc đáo, hiện thực hóa yêu cầu thực tiễn cuộc sống nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả trong công việc.
Các sáng chế sáng tạo được tôn vinh lần này thuộc các lĩnh vực: Công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ khí chế tạo tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; Vật liệu, hóa chất, năng lượng; Nông, lâm, diêm, ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường; Y dược.
Bài, ảnh: Bảo Chi