Để nâng cao sức cạnh tranh, các doanh nghiệp đã không ngừng xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu, nhất là trong xu thế hội nhập. Nhưng hình ảnh của doanh nghiệp (thương hiệu) luôn gắn liền với chất lượng của sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất và cung cấp.
Điều dễ nhận thấy là, người tiêu dùng sẽ tìm đến và thậm chí chấp nhận mua với giá cao hơn, những hàng hoá, dịch vụ có thương hiệu uy tín một khi chất lượng ngày càng được bảo đảm và từ đó họ yên tâm sử dụng. Ngược lại, người tiêu dùng sớm hay muộn cũng sẽ quay lưng lại, thậm chí rẻ cũng không mua, những hàng hóa tuy có danh tiếng nhưng chất lượng thì ngày càng giảm.
Điều này cũng được hiểu rằng trong quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp luôn phải gắn với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ.. Như vậy ở góc độ nào đó, thương hiệu chính là danh tiếng, uy tín của doanh nghiệp thông qua các sản phẩm, hàng hóa có chất lượng do doanh nghiệp sản xuất và cung cấp.
Để làm được việc này, các doanh nghiệp thường xuyên tìm kiếm, đổi mới và cải tiến công nghệ, bên cạnh việc tạo dựng mẫu mã và kiểu dáng đẹp, hấp dẫn của sản phẩm. Trong quá trình cải tiến và đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp sẽ tạo ra các giải pháp, quy trình và bí quyết kỹ thuật - là những thành tố quan trọng của công nghệ.
Cũng có nghĩa là, hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ hay tìm kiếm những giải pháp để có được sáng chế hay công nghệ mới vừa là mục tiêu đồng thời cũng là phương tiện giúp các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu có uy tín và bảo đảm được lòng tin của khách hàng.
Doanh nghiệp sẽ làm gì và làm như thế nào?
Hai biện pháp khá quen thuộc mà doanh nghiệp thường làm, đó là nghiên cứu để tạo ra sáng chế hay công nghệ mới hoặc thực hiện mua-bán công nghệ.
Biện pháp thứ nhất “nghiên cứu để tạo ra sáng chế hay công nghệ mới”. Việc nghiên cứu để tạo ra sáng chế hay công nghệ mới có thể do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê chuyên gia hoặc các cơ sở nghiên cứu (trường đại học, viện nghiên cứu…).
Nếu doanh nghiệp tự nghiên cứu thì sẽ có nhiều thuận lợi là trực tiếp giải quyết được những yêu cầu và đỏi hỏi phát sinh trong chính quá trình sản xuất kinh doanh. Điển hình như: Trong 10 năm từ 1992-2002, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển đã tự nghiên cứu và đưa vào thực tế sản xuất hàng trăm giải pháp kỹ thuật, trong đó có 06 giải pháp kỹ thuật được cấp Bằng độc quyền sáng chế và bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào các năm 1991, 1992, 1996 và 2001.
Chính các sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp bằng độc quyền khi áp dụng vào thực tế đã giải quyết được các khó khăn trong việc sản xuất phân lân nung chảy tại Công ty phân lân nung chảy Văn Điển cũng như trên phạm vi cả nước. Năng suất thiết bị lò cao lên đến 600%; định mức tiêu hao nhiên liệu giảm gần 70%; định mức tiêu hao điện giảm 81%; định mức tiêu hao nguyên liệu giảm trên 20%. Trong 10 năm áp dụng, Công ty đã tiết kiệm được: 407.000 tấn than; 61 triệu kwh điện; làm lợi 253 tỷ đồng và Công ty đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (nguồn từ Công ty phân lân nung chảy Văn Điển). Thương hiệu phân lân nung chảy Văn Điển đã chiếm được lòng tin của bà con nông dân Việt Nam trong nhiều năm qua.
Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng nghiên cứu - triển khai với các chuyên gia, cơ sở nghiên cứu thì phải dựa trên nguyên tắc là doanh nghiệp đầu tư kinh phí sẽ là chủ sở hữu công nghệ đó và nếu có sáng chế thì doanh nghiệp cũng là người có quyền nộp đơn đăng ký để sau này là chủ sở hữu nếu sáng chế được cấp bằng độc quyền, còn chuyên gia chỉ là tác giả sáng chế. Việc doanh nghiệp ký hợp đồng nghiên cứu triển khai với các nhà khoa học, các viện và trung tâm nghiên cứu để tạo ra các công nghệ mới hay sáng chế cũng chính là nằm trong chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Song thời gian vừa qua việc triển khai và thực hiện không phải đó đạt được hiệu quả như mong muốn. Thực tế những năm vừa qua cho thấy, nhiều cơ sở nghiên cứu, trường đại học không thương mại hoá được sáng chế và công nghệ mới. Trong số 42 trường đại học và cao đẳng về tự nhiên và kỹ thuật thì chỉ có 37 sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ: Bách Khoa Hà Nội 25, Đại học Xây dựng Hà Nội 4, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh 5, Đại học Mỏ địa chất 2...Trong nhiều nguyên nhân của sự thưa thớt sáng chế/giải pháp hữu ích được bảo hộ, có một nguyên nhân là các trường chưa quan tâm và hoặc không có kinh phí để nghiên cứu và thực hiện đăng ký sáng chế cũng như chưa tìm được “đầu ra” cho sáng chế. Phải chăng việc doanh nghiệp ký hợp đồng nghiên cứu triển khai với các cơ sở nghiên cứu là hướng đi tốt nhất tìm đầu ra cho sáng chế và công nghệ mới mà hai bên cùng có lợi.
Biện pháp thứ hai để doanh nghiệp có được công nghệ mới hay sáng chế, đó là tham gia mua bán, chuyển giao công nghệ. Theo đánh gia mới đây về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 10% dùng công nghệ những năm 70, 30% dùng công nghệ những năm 80, 50% dùng công nghệ những năm 90 và chỉ có khoảng 8% dùng công nghệ tiên tiến (mà chủ yếu lại là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài)- Điều tra của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công Thương. Trong khi đó chỉ trong 5 năm (2001-2005) 20 trường đại học đã ký được 13.000 hợp đồng chuyển giao công nghệ với doanh số khoảng 74 triệu USD thông qua 22 kỳ Techmart và các hội chợ khác liên quan đến công nghệ. Với nhu cầu phát triển của nền kinh tế và hội nhập, chắc chắn thời gian tới đây hoạt động chuyển giao công nghệ sẽ diễn ra sôi động hơn và sẽ là một kênh tốt để doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ mới hay sáng chế phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hàng hoá để tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
Một cách làm cũng được xem là hướng đi tốt và có tác dụng bổ trợ cho 2 biện pháp trên đây, đó là tra cứu và sử dụng tư liệu sáng chế. Hiện nay tại Cơ quan lưu giữ tư liệu sáng chế quốc gia (Cục Sở hữu trí tuệ- 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) có đến hơn 30 triệu bản mô tả sáng chế thuộc tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của hầu hết các nước phát triển trên thế giới và khu vực, trong số đó có khoảng hơn 85% (số liệu ước tính) sáng chế là không được bảo hộ (hoặc là hết hạn hiệu lực, hoặc là không đăng ký bảo hộ ở VN). Thay bằng phải đầu tư kinh phí mua công nghệ hoặc nghiên cứu sáng tạo từ đầu, các doanh nghiệp thực hiện tra cứu và sử dụng thông tin sáng chế sẽ tiết kiệm được kinh phí thông qua việc sử dụng miễn phí 85% sáng chế không được bảo hộ đó hoặc dựa trên nền tảng công nghệ đó để nghiên cứu tạo ra những công nghệ mới phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Trong số những sáng chế không được bảo hộ đó có nhiều sáng chế được xem là mới hoặc công nghệ tiên tiến so với trình độ công nghệ của Việt Nam. Rõ ràng đây là một “kho công nghệ quý” mà doanh nghiệp cần quan tâm và triệt để tận dụng để cải tiến công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng uy tin của doanh nghiệp góp phần vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Lê Tất Chiến (Cục Sở hữu trí tuệ)