Sáng 08/4, tại Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tiến hành nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp khoa học và công nghệ nhằm phát triển sản xuất dâu tằm bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu” mã số KC.06.13/06-10 do TS. Nguyễn Thị Đảm (Trung tâm nghiên cứu Dâu tằm tơ) làm chủ nhiệm đề tài.
Sau ba năm thực hiện (2008-2010), đề tài đã nghiên cứu một số giải pháp KH&CN phát triển sản xuất dâu tằm bền vững phục vụ nội tiêu và xuất khẩu được thực hiện khép kín từ khâu kỹ thuật chăm sóc cho cây dâu đến khâu nuôi tằm sản xuất ra sản phẩm kén.
Cụ thể đề tài đã chọn tạo ra 03 giống tằm mới GQ9312, LTQ và GQ1235; nghiên cứu ứng dụng thuốc Vi khuẩn linh, Đa khuẩn linh, chế phẩm thuốc Biorex 1 có tác dụng phòng bệnh bủng tằm tốt, hiệu quả phòng bệnh đạt 80-100%, có khả năng ngăn cản sự phát triển của vi rút NPV sau 4 ngày sử dụng chế phẩm. Đề tài đã xây dựng được 3 mô hình nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm lớn dưới đất và 4 mô hình ứng dụng một số giải pháp KH&CN nhằm nuôi tằm con đạt năng suất chất lượng cao.
Đồng thời, đề tài đã nghiên cứu xác định được một số biện pháp kỹ thuật đốn rải vụ, bón phân và tưới nước để tăng năng suất lá dâu ở vụ xuân và vụ thu thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ. Hai thời vụ này có điều kiện khí hậu thích hợp cho nuôi giống tằm lưỡng hệ có năng suất chất lượng kén cao.
Lần đầu tiên trong ngành sản xuất dâu tằm đã điều tra xác định được những loại sâu hại chủ yếu, quy luật phát sinh phát triển và thí nghiệm xác định được một số loại thuốc hóa học vừa có tác dụng hiệu quả diệt sâu, vừa có thời gian cách ly ngắn đối với nuôi tằm.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế của đề tài cho thấy, các giống tằm GQ9312, LTQ và GQ1235 đều cho thu nhập/ha dâu tăng so với giống Trung Quốc LQ2 nuôi tại Việt Nam từ 24-30 triệu đồng. Mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật của đề tài đã được mở rộng với quy mô 341,5 ha chiếm 62,29% của địa phương đề tài triển khai đã cho thu nhập tăng thêm 28.305.000 đồng/ha. Do đó, tổng thu nhập tăng thêm của 341,5 ha là 9 đến 10 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện, đề tài đã gắn kết với chương trình khuyến nông, kết hợp với các tổ chức ở địa phương như Hội nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Đặc biệt, với việc ứng dụng mô hình nuôi tằm con tập trung nuôi tằm lớn dưới đất và mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật sẽ có tác dụng chuyển dần việc sản xuất dâu tằm theo phương thức nhỏ lẻ phân tán sang sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, thuận lợi cho việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm kén từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
Phương Nga