Cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội
Chính vì vậy, ngày 16-7-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3567/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, nhằm đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo.
Kết quả khả quan
Thực hiện Quyết định số 1062/QĐ-TTg, ngày 14-6-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020, thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Phó phòng Quản lý sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội), triển khai chương trình này, những năm qua, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ... Đặc biệt, đã hỗ trợ bảo hộ, khai thác và áp dụng thực tiễn sáng chế, giải pháp hữu ích cũng như hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của Hà Nội.
Ông Lê Kinh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt cho biết, công ty đang triển khai thực hiện 2 dự án nhãn hiệu tập thể trên địa bàn huyện Sóc Sơn, gồm: Nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Sóc Sơn” và “Gạo nếp cái hoa vàng Sóc Sơn - Hà Nội”. Qua 6 tháng triển khai, các cấp chính quyền và người dân Sóc Sơn nhiệt tình tham gia và các dự án bước đầu đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng thông tin, giai đoạn 2018-2020, thành phố Hà Nội đã công nhận, xếp hạng 31 sản phẩm của huyện đạt 4 sao và 3 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như: Nón lá Phương Trung; gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 ở Tam Hưng; trứng vịt Liên Châu... "Từ khi được xếp hạng OCOP, huyện đã hỗ trợ chủ các sản phẩm này trong việc bảo hộ, quản lý và phát triển quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để kết nối tiêu thụ sản phẩm", Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai nhấn mạnh.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã có 1.697 đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, 834 giải pháp hữu ích, 2.221 kiểu dáng công nghiệp, 61.491 nhãn hiệu hàng hóa. Đặc biệt, thành phố đã hỗ trợ tạo lập, quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho 64 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề và hỗ trợ quản lý, phát triển sở hữu trí tuệ cho 4 nhãn hiệu tập thể đã được bảo hộ...
Nhiều giải pháp phát triển tài sản trí tuệ
Nhằm đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, UBND thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 50% số doanh nghiệp đóng trên địa bàn được tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ; tối thiểu 40% sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của thành phố và các sản phẩm gắn với OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ... Chương trình này cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, để thực hiện được các mục tiêu của chương trình, Sở đã đưa ra 6 giải pháp quan trọng. Đó là, tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn lực về đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ; khuyến khích đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng, củng cố năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền sở hữu trí tuệ; hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội.
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Giám đốc Công ty TNHH Phát triển tài sản trí tuệ Việt Lê Kinh Hải, chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố là cơ hội cho nhiều sản phẩm có chất lượng của các doanh nghiệp được bảo hộ và xây dựng thương hiệu. Để đạt hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ để đưa sản phẩm của chính mình ra thị trường.
Còn theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, huyện sẽ bám sát Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố để hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng đối với những sản phẩm OCOP, đồng thời chú trọng đến những sản phẩm có tiềm năng OCOP trong thời gian tới như: Kim khí, điêu khắc, tạc tượng, lồng chim, tăm hương, quạt, tương, miến... Huyện cũng tập trung nâng cao nhận thức người dân, doanh nghiệp về công tác bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ của thành phố Hà Nội tiếp tục huy động được nhiều nguồn lực, từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của Thủ đô.