Từ nhiều năm nay, đặc sản mỳ Chũ luôn là niềm tự hào của mỗi người dân vùng Lục Ngạn. Món ăn làm từ gạo bình dị và dân dã này cũng ngày càng phổ biến trong bếp ăn gia đình người Việt. Không chỉ người tiêu dùng các tỉnh thành trong nước ưa chuộng, mỳ Chũ còn đang chinh phục cả những thị trường nước ngoài như Trung Quốc hay các nước Tây Âu.
Theo Cục SHTT, hiện Việt Nam có hàng ngàn đặc sản với chất lượng đặc thù, đặc biệt các sản vật Việt được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý, số lượng các sản vật được bảo hộ ở dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đã và đang mang lại không những lợi ích kinh tế cho bà con nông dân mà cho cho các quốc gia sở hữu chúng, bên cạnh những tác động tích cực đối với văn hóa, du lịch...Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch Hội Mỳ Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.
Ông có thể giới thiệu cho độc giả biết về sản phẩm Mỳ Chũ, nhãn hiệu nổi tiếng của Bắc Giang?
Ông Nguyễn Văn Nam: Được làm từ loại gạo Bao thai hồng nổi tiếng thơm ngon, những sợi mỳ Chũ mang hương vị đặc trưng riêng, không lẫn với bất cứ nơi nào khác và hội tụ đầy đủ nét tinh túy trong ẩm thực người Việt. Sản phẩm mỳ chũ của Bắc Giang là sản phẩm truyền thống lâu đời, cha truyền con nối từ nhiều đời nay.
Hiện nay, mỳ chũ đang là sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia nhiều năm liền và đang được thị trường trong nước và nước ngoài biết đến. Cũng chính nhờ nghề sản xuất mỳ chũ đã giúp cho hàng nghìn lao động có công việc ổn định tại địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Tạo cho nhiều hộ gia đình làm giàu chính đáng từ nghề làm mỳ.
Thực tế có 3 làng thuộc phường Dĩnh Kế là thường xuyên làm nghề mỳ gạo. Hội đã tổ chức đoàn công tác cùng với Chi cục quản lý thị trường xuống khảo sát và họp với các hộ sản xuất mỳ, yêu cầu cam kết không làm nhái sản phẩm mỳ chũ. Tuy nhiên, việc này chỉ hạn chế được trong một thời gian ngắn rồi lại tái phát.
Ông đã từng nói trên một bài báo “Trên thị trường, sản phẩm Mỳ Chũ bị làm nhái bày bán tràn lan. Bao bì của các sản phẩm này thường không in trọng lượng, mã vạch, mã số hoặc in nhưng không đúng như sản phẩm của Hội sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ; không có logo hình bông lúa”. Tại sao lại có tình trạng như vậy và vai trò của Hội trong vấn đề này ra sao?
Ông Nguyễn Văn Nam: Thực tế, thương hiệu Mỳ Chũ Lục Ngạn là một thương hiệu mạnh trên thị trường đã được Sở KH&CN Bắc Giang đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp nhãn hiệu từ năm 2010, nên khi ra thị trường đã được người tiêu dùng tin tưởng.
Do đó, một số cơ sở lợi dụng uy tín thương hiệu của Mỳ Chũ Lục Ngạn để làm nhái, làm giả. Trước tình trạng này, Ban chấp hành Hội cũng tổ chức rất nhiều cuộc họp để đưa ra giải pháp, tuy nhiên lực bất tòng tâm, Hội mong muốn sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng có biện pháp mạnh tay hơn để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất và kinh doanh chính đáng..
Để bảo vệ thương hiệu cho nghề Mỳ Chũ, Hội có kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải có chế tài nghiêm khắc hơn, hình thức xử phạt nặng hơn, đảm bảo tính răn đe và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng. Giữ uy tín và chất lượng cho sản phẩm Mỳ Chũ chính hiệu.
Ông có thể so sánh về lợi ích kinh tế trước và sau khi sản phẩm Mỳ Chũ nói riêng và các sản vật Bắc Giang nói chung được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?
Ông Nguyễn Văn Nam: Chắc chắn là trước khi được bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ thì sản phẩm mỳ Chũ của Bắc Giang không thể kinh doanh tốt được như hiện nay, vì lúc đó sản phẩm mỳ Chũ chưa được công nhận, chưa được bảo hộ, chỉ là các hộ sản xuất kinh doanh thủ công, nhỏ lẻ. Sau khi được bảo hộ, thương hiệu mỳ Chũ của Bắc Giang được quảng bá rộng rãi hơn, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Kết hợp cùng bí quyết gia truyền của các thợ giỏi, nghệ nhân của làng nghề, sản phẩm mỳ Chũ ngày càng ngon và khác biệt hẳn so với các làng nghề khác. Từ đó, sản phẩm mỳ Chũ trở thành một đặc sản của Lục Ngạn (Bắc Giang) nói riêng và Việt Nam nói chung.
Chính vì vậy, việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ là rất quan trọng, riêng Lục Ngạn, Bắc Giang đã có rất nhiều đặc sản như: vải thiều, mật ong, rượu nếp cái hoa vàng Phì Điền và gần đây là nhãn hiệu cam Lục Ngạn, bưởi Lục Ngạn…Tôi tin rằng, không chỉ sản phẩm mỳ Chũ, mà các sản vật khác của Lục Ngạn (Bắc Giang), khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được “chắp cánh” cho sản vật địa phương “bay xa” hơn, phát triển ra thị trường rộng khắp không chỉ trong nước mà cả ở thị trường ngoài nước.
Là người sát cánh với người sản xuất, với doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý, ông có thể cho biết để tiếp cận và thừa hưởng những lợi ích từ việc hoạt động bảo hộ quyền SHTT, có những khó khăn nào trong quá trình triển khai?
Ông Nguyễn Văn Nam: Trong quá trình triển khai, cái khó khăn nhất để giữ thương hiệu của chúng tôi là phải đảm bảo thương hiệu “Sạch”, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường làng nghề. Đảm bảo sạch từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, càng có thương hiệu, chúng tôi càng phải giữ gìn uy tín của sản phẩm.
Đặc biệt, chúng tôi phải chú trọng quản lý quy chuẩn đối với xã viên trong cơ sở của mình, hướng dẫn họ làm theo quy chuẩn của mình, không dùng bất cứ một chất phụ gia, hoá học nào để đảm bảo uy tín, chất lượng của thương hiệu sản phẩm.
Hiện tại ở Bắc Giang có rất nhiều nơi sản xuất mỳ gạo nhưng riêng mỳ Chũ của Lục Ngạn lại có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng. Không chỉ tiêu thụ rộng rãi trong nước, mỳ Chũ còn được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài mang lại lợi nhuận lớn. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm để phát triển thương hiệu mỳ Chũ?
Ông Nguyễn Văn Nam: Theo tôi, muốn thành công là ở công tác quảng bá đúng lúc, đúng chỗ. Cụ thể như tham gia quảng bá ở các Hội chợ lớn, kể cả trong nước và quốc tế. Tham gia các hội nghị kết nối cung cầu được tổ chức thường niên tại các tỉnh. Chú trọng quảng bá bằng hình ảnh trên các kênh thông tin đại chúng. Không những quảng bá rộng rãi, Hội sản xuất cũng cần củng cố chất lượng đầu vào, đẩy mạnh sản lượng...
Hiện tại, sản phẩm mỳ Chũ của chúng tôi đã tiếp cận được các thị trường Bắc, Trung, Nam. Sản phẩm của chúng tôi cũng đã có mặt tại tất cả các nước Châu Á như: Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào, Campuchia...và một số nước Châu Âu như: Nga, Anh, Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan...
Chúng tôi đang phấn đấu là sản phẩm này sẽ là đặc sản đặc trưng của Việt Nam nữa chứ không chỉ riêng của Bắc Giang. Đó là thương hiệu lớn, thương hiệu được cấp quốc gia liên tục rồi thì sẽ trở thành thương hiệu của Việt Nam. Chúng ta định hướng xuất khẩu lớn ra thị trường thì chắc chắn sản phẩm sẽ mang thương hiệu Việt Nam”.
Có nhiều sản phẩm được hỗ trợ và gọi là nhãn hiệu tập thể, có sản phẩm lại gọi là chỉ dẫn địa lý, có sản phẩm lại là nhãn hiệu chứng nhận, trong khi các sản phẩm đó đều có thể gọi chung là đặc sản hoặc chỉ dẫn địa lý được, vậy việc phân biệt các tên gọi này có ý nghĩa hay khác biệt giá trị thế nào?
Ông Nguyễn Văn Nam: Thực tế, sau khi sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ độc quyền, chỉ dẫn địa lý là rất quan trọng. Nó thể hiện sản vật đó được sản xuất ở đúng ở chỉ dẫn tại địa phương đó. Cụ thể, với sản phẩm mỳ Chũ chính hiệu phải được sản xuất tại làng nghề truyền thống Lục Ngạn (Bắc Giang), mặc dù Bắc Giang có nhiều nơi làm sản phẩm mỳ gạo.
Do đó, chúng tôi đã xây dựng logo và bộ nhận diện thương hiệu riêng. Lục Ngạn là vùng núi cao, nên chúng tôi chọn hình bông lúa trên nền 3 ngọn núi làm logo nhận diện thương hiệu. Chỉ khi sản phẩm có in logo này mới là sản phẩm mỳ Chũ chính hiệu của chúng tôi.
Xin cảm ơn ông!
PV