Mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp (SHCN) của cá nhân là 250 triệu đồng; tương tự cùng 01 hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần và tối đa là 500 triệu đồng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Theo đó, mức phạt tiền tối đa áp dụng đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của cá nhân là 250 triệu đồng; tương tự cùng 01 hành vi vi phạm thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần và tối đa là 500 triệu đồng.
Nghị định này quy định cụ thể đối với từng mức phạt như: Phạt từ 03 - 05 triệu đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung văn bằng bảo hộ hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu công nghiệp; từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin, chứng cứ sai lệch trong quá trình tiến hành các thủ tục xác nhận, công nhận, chứng nhận, sửa đổi, gia hạn, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước ra quyết định buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế,v.v...
Đối với các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí như: Bán, chào hàng, vận chuyển, tàng trữ, trưng bày sản phẩm xâm phạm; khai thác công dụng sản phẩm xâm phạm hoặc sản phẩm được sản xuất từ quy trình xâm phạm vì mục đích kinh doanh sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 0,5 - 02 triệu đồng trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 03 triệu đồng; phạt từ 02 - 04 triệu nếu giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 03 - 05 triệu đồng...; và phạt từ 200 - 250 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa vi phạm trên 500 triệu đồng.
Tương tự đối với các hành vi bán, chào hàng, vận chuyển, trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hoặc đặt hàng, giao việc thuê người khác thực hiện các hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 04 - 08 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa vi phạm đến 05 triệu; phạt từ 08 - 12 triệu đồng nếu giá trị hàng hóa từ trên 05 - 10 triệu đồng...
Nghị định số 99/2013/NĐ-CP cũng quy định bên cạnh hình phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền, các hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hoặc các biện pháp khắc phục hậu quả như: Tịch thu tang vật, phương tiên vi phạm; tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sơ hữu, thẻ giám định viên hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ 01 - 03 tháng... Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2013 và thay thế Nghị định số 97/2010/NĐ-CP.