Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Tiềm lực KH&CN Chủ nhật, 24/11/2024 , 10:58 am
Cập nhật : 24/11/2010 , 13:11(GMT +7)
Nuôi trồng thủy sản “sạch”: Thành công từ khoa học công nghệ
Mô hình nuôi thủy sản sạch
Đến nay, nhiều đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đã áp dụng hiệu quả phương thức nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), sản xuất nông nghiệp tốt (GAPs), chăn nuôi tốt (GAHP),… để đảm bảo chất lượng “từ ao nuôi đến bàn ăn” hay nói cách khác là “thủy sản sạch” phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

 Thị trường tiêu thụ: những quy định khắt khe 

Theo TS. Bùi Quang Tề - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (NTTS) cho biết: Công nghệ nuôi trồng thủy sản (nuôi sạch) là sản xuất ra sản phẩm thủy sản thương phẩm đảm bảo các chỉ tiêu hóa học không vượt quá giới hạn cho phép khi sử dụng làm thực phẩm cho người.

 

Theo khái niệm của quốc tế, Quy định GAP là những thực hành cần thiết để tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Quy phạm GAP được ứng dụng trong NTTS với mục tiêu đảm bảo ATVSTP cho thủy sản nuôi, góp phần giảm thiểu dịch bệnh, tạo môi trường bền vững, đem lại lợi ích thiết thực cho người nuôi.

 

TS. Bùi Quang Tề cho biết, các nhà nhập khẩu sản phẩm thủy sản, đặc biệt là EU, Mỹ, Nhật Bản đang đưa ra những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc (theo phương thức “từ ao nuôi đến bàn ăn”) và chứng nhận tiêu chuẩn, ví như tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GLOBAL GAP). Hiệp hội bán lẻ của Hà Lan, tổ chức nhập khẩu tôm lớn nhất ở Châu Âu đã tuyên bố sẽ yêu cầu tất cả các nhà cung cấp phải có chứng nhận GLOBAL GAP kể từ tháng 1/2011. Walmart, hãng bán lẻ lớn nhất thế giới đang hỗ trợ Liên minh Nuôi thủy sản toàn cầu cũng mong muốn các nhà cung cấp thủy sản của hãng sẽ được chứng nhận áp dụng quy phạm Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất.

 

Điều này đặt ra những thách thức lớn cho nước ta, khiến ngành NTTS Việt Nam phải hướng tới việc áp dụng GAP/BMP trong sản xuất nhiều hàng hóa. Khi tham gia Hiệp ước SPS (Hiệp định về vệ sinh, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật), Việt Nam cũng đã cam kết đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua việc cung cấp các sản phẩm nông sản thực phẩm có chất lượng tốt, không bị ô nhiễm bởi hóa chất và vi sinh vật gây hại.

 

Những thành công từ nghiên cứu khoa học

 

Đến nay, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, 2; Cục Quản lý chất lượng và Thú y thủy sản (NAFIQAVED, thuộc Bộ Thủy sản cũ) là những đơn vị hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy áp dụng GAP ở nước ta thông qua việc nghiên cứu thử nghiệm, tập huấn và khuyến ngư. Năm 2003, NAFIQAVED đã khởi xướng dự án thử nghiệm GAP nhằm nâng cao chất lượng tôm của Việt Nam, tăng tính bền vững về môi trường và xã hội.

  

                             

Ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam cần hướng tới áp dụng quy mô  GAP trong sản xuất nhiều loại hàng hóa

 

Các nghiên cứu cho thấy, quy phạm BMP phù hợp hơn với cơ sở nuôi quy mô nhỏ, còn quy phạm GAP và quy tắc Thực hành nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (COC) phù hợp hơn với các cơ sở nuôi thâm canh vì chúng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, chi phí hoạt động.

 

Dự án này được mở rộng với sự tham gia của nhiều tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau,… Các số liệu của NAFIQAVED cho thấy sản lượng của các cơ sở áp dụng GAP cao hơn các cơ sở không áp dụng GAP từ 20 – 30%.

 

Bên cạnh đó, việc đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH&CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc NTTS sạch. Nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KH&CN được thực hiện và cho hiệu quả cao như “Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm chủ lực” (KC.06); “KH&CN phục vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn” (KC.07); “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ lực” (KC.06/06-10);…

 

Nhờ nghiên cứu khoa học, ngành NTTS đã có nhiều mô hình nghiên cứu áp dụng quy trình công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Năm 2005, sản lượng NTTS đạt 1.478 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 2,73 tỷ USD, trong đó tôm nuôi đạt sản lượng 327.200 tấn, sản lượng nuôi cá tra đạt 375.000 tấn. Năm 2009, sản lượng NTTS đã đạt 2.57 triệu tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 4,25 tỷ USD, trong đó tôm nuôi đạt 485.024 tấn, 1 triệu tấn cá tra (Nguồn: FiCEN/CIS).

 

NTTS sạch cần có những định hướng nhất định

 

Theo các nhà khoa học, để NTTS sạch có hiệu quả hơn, các quy định về GAP, BMP và COC ở Việt Nam cần phải được xây dựng cho tương hợp với GLOBAL GAP để sản phẩm vào được thị trường EU và Mỹ; sớm xây dựng các tiêu chuẩn chứng nhận đơn giản sát với các khái niệm GAP, BMP và COC mà quốc tế đã chấp nhận cho nuôi cá tra, cá rô phi, tôm sú, tôm chân trắng; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường của các cơ sở áp dụng GAP, BMP và COC thông qua xây dựng mối liên kết giữa nông dân, nhà chế biến và các đơn vị bán lẻ quy mô lớn nhằm khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp trên, tạo mối quan hệ hợp tác và ký kết hợp đồng dài hạn.

 

Tuy nhiên, để thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hơn nữa, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào NTTS, tăng cường chuyển giao các tiến bộ KH&CN nhằm thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hơn nữa.

 

                                                                Nguyễn Hạnh


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner