Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 23/11/2024 , 04:33 am
Cập nhật : 21/02/2014 , 09:02(GMT +7)
Nông dân tự chế thuốc trừ sâu thảo dược
Rót thứ nước đen sì, đặc quánh từ trong chiếc bình 20 lít ra chiếc chén nhỏ, rồi đưa lên miệng uống “ực” như người ta uống rượu, nông dân Lê Văn Đáo (Khoái Châu, Hưng Yên, người có biệt danh ông “Đáo Đâu”) cười khà khà nói: “Bây giờ đem nước này pha với nửa lít cồn và lưng bình nước rồi phun cho ruộng rau chỉ cần qua một đêm thôi là sâu rệp chết như ngả rạ hết.”.

Rồi như sợ khách chưa tin tưởng những điều mình vừa nói, ông chỉ sang đồng chí phó chủ tịch xã, ngồi bên cạnh nói thêm “ Tôi nói sai thì đồng chí phó chủ tịch gô cổ tôi lại, đưa lên xã chứ chẳng chơi”. Ông Đáo cho biết hơn tám năm nay ông dùng “thuốc” này để phun cho ruộng, vườn nhà vừa diệt được sâu bệnh cho cây trồng lại bảo đảm an toàn, không cần phải mặc áo mưa, đi ủng khi phun thuốc, cũng không sợ bị bệnh nếu vô tình để “thuốc sâu” rớt vào da thịt như các loại thuốc bảo vệ thực vật đang bán trên thị trường.

Tiết lộ những ưu điểm nổi bật về “thuốc sâu” tự chế của mình người nông dân 57 tuổi này cho biết sở dĩ ông khẳng định “thuốc trừ sâu” của ông hoàn toàn không gây hại đến sức khỏe cho con người bởi thành phần chủ yếu của nó là các loại thảo dược rất gần gũi với các bữa ăn của gia đình như giềng già, gừng ta, tỏi ta,... tất thảy có khoảng hơn 10 loại thảo dược được ngâm với cồn 90 độ để trong vòng nửa năm rồi đem ra pha chế là có bình “thuốc sâu thảo dược”. “ Mỗi vụ, chỉ cần ngâm một bình. Số tiền mua thảo dược chỉ khoảng 100 nghìn đồng mà đủ phun cho vài mẫu ruộng, vườn rau trong cả năm đấy”- ông Đáo cho biết thêm.

Được biết ý tưởng chế tạo ra “thuốc trừ sâu thảo dược” đến với ông rất tình cờ từ năm 2006. Khi ấy ông Đáo thường có thói quen sưu tầm các loại thảo dược để chữa các bệnh như nấm, đau bụng, viêm tai... cho người nhà và hàng xóm. Các bài thuốc này ông học được từ một cuốn sách cổ được vợ chồng ông lão người Nùng tặng khi còn trong quân đội. Vào tháng giêng, tháng hai thời tiết ẩm ướt để bảo quản thảo dược ông đem cất trong hòm đựng thóc – nơi được xem là khô ráo nhất trong gia đình. Hai hòm thóc cùng để một chỗ, cũng có kẽ hở như nhau vậy mà khi mang thóc ra ăn, thùng thóc không chứa thảo dược thì rất nhiều mọt còn thùng kia tịnh không có một con mọt, mối nào. Lúc bấy giờ ông Đáo mới phát hiện thảo dược chứa trong hòm thóc có tác dụng ngăn chặn được côn trùng, mối mọt, cũng từ đấy ông nảy ra ý nghĩ thảo dược chữa bệnh được cho người thì cũng chữa được cho cây trồng và bắt tay vào nghiên cứu chế tạo thuốc trừ sâu từ thảo dược. “Vì ý tưởng ấy tôi cười phá lên sung sướng, làm vợ con được phen hú vía cứ tưởng tôi bị thần kinh”- ông Đáo hồi tưởng lại.

Nghĩ là làm, ông bắt tay ngày vào thử nghiệm. Ngày nào dân làng cũng thấy ông lặn lội ngoài đồng từ sáng sớm tinh mơ đến khi trời tối. Không ai hiểu ông làm gì mà suốt ngày cặm cụi ngoài đồng. Một số người biết việc ông nghiên cứu thuốc trừ sâu thảo dược cho rằng ông hâm, dở hơi.... Một số anh em thân thiết cũng khuyên ngăn bảo ông dành thời gian đó để làm ăn kinh tế. Thậm chí không ít lần vợ chồng ông “xô bát đĩa” cũng bởi ông toàn đi làm những việc “không đâu”.

Dung dịch thuốc sâu tự chế của nông dân Lê Văn Đáo.

Ông tâm sự “ đôi lúc bà nhà tôi nóng giận thì tôi lại phải dĩ hòa vi quý, pha trò để cho bà ấy hạ hỏa. Việc làm của mình chỉ mình biết nào có chia sẻ được cùng ai? Nhiều lúc cũng trăn trở lắm, nhưng tôi vẫn tin một ngày nào đó sản phẩm sẽ được công nhận, được áp dụng đại trà trong nông nghiệp, lúc ấy nông dân sẽ không còn phải lo sâu bệnh và người tiêu dùng cũng bớt đi nỗi lo về thực phẩm nhiễm thuốc bảo vệ thực vật”.

Tin tưởng vào sản phẩm của mình ông bắt đầu phun thuốc trừ sâu tự chế vào vụ chiêm 2006. "Lần đầu tiên phun thuốc, thấy ruộng có chuột, tôi pha thêm ít dầu luyn vào bình thuốc với mục đích mùi hôi luyn sẽ xua được loài gặm nhấm. Lúc tôi đi phun về thì thấy ông trưởng thôn đang tập thể dục. Chiều hôm đó, ruộng lúa nhà tôi teo lại như lá hành, ông trưởng thôn và làng xóm kháo nhau ầm ĩ rằng thuốc tôi tự chế làm chết lúa", ông kể.

Lúc đó, vợ con ông Đáo ruột gan như trên đống lửa, trách móc ông phen này đói không có gạo ăn. Mặc cho mọi người nói, ông không tin thứ thuốc của mình làm lúa chết. Quả nhiên, sau một đêm ngậm sương, năm thửa ruộng nhà ông lại tươi mơn mởn trở lại. Cũng năm đó cả làng phải đánh thuốc trị bệnh rầy nâu lúc trưa nắng trong khi ruộng nhà ông Đáo tuyệt nhiên chẳng bị bệnh tật gì.

Theo ông Đáo, loại thuốc tự chế có ưu điểm là diệt và phòng ngừa được nhiều loại sâu bọ như khô vằn, rầy nâu, đạo ôn... rất hiệu quả. Một ngày sau phun thì các loại sâu ăn lúa sẽ say thuốc và chết. Thuốc không gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giá thành rẻ, rất an toàn, thân thiện.

Nhiều lần chứng kiến ông Đáo thử thuốc, ông Lê Văn Dương (54 tuổi) không khỏi khâm phục biệt tài chế biến của người hàng xóm. "Ông Đáo lạ đời lắm, đi phun thuốc từ 3-4h sáng. Lúc dân làng thức dậy, ông ấy phun xong cả mẫu ruộng về rồi. Nhiều năm trước, tôi đã thấy ông trị sâu bệnh cho lúa bằng thuốc tự chế. Năng suất lúa vẫn cao, chẳng bao giờ ông ấy đi phun mà đeo khẩu trang, quần áo bảo hộ cả".

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Hường, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Khoái Châu, cho biết: Mới đây, chúng tôi mới biết chuyện ông Đáo tự chế thuốc trừ sâu thân thiện với môi trường. Tôi được biết, tới đây, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hưng Yên cùng lãnh đạo huyện sẽ về làm việc với nông dân Lê Văn Đáo để nắm bắt tình hình và xin các mẫu thuốc đi thử nghiệm thêm ở các điểm mới, khi xác định được hiệu quả sẽ tiến hành công nhận bằng sáng chế cho ông.

Nguồn tin: Nhân Dân

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner