Anh Nguyễn Kim Chính, nông dân ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định vừa sáng tạo thiết bị dệt thảm chùi chân có năng suất gấp 3 lần, lại không tốn không gian so với thiết bị dệt cùng loại.
Anh Chính cho biết, Cơ sở dệt thảm chùi chân Minh Thành (thôn Xuân An, xã Cát Tường, Phù Cát) đặt hàng làm thiết bị dệt mấy năm nay, nhưng nay anh mới bắt tay vào làm được. Thiết bị dệt của anh vừa tạo ra dựa trên cơ sở thiết bị dệt thủ công truyền thống đạp chân đơn giản, nhưng có nhiều cải tiến.
Thay vì phải căng sợi dệt thành một dãy dài khoảng 10 m, chiếm nhiều không gian, thì anh gắn trục ru lô cuốn, nhả dây vào thiết bị, và cuốn được trên 20 m sợi vải. Hai khung luồn sợi và khung ép sợi thay vì làm bằng những sợi thép đơn giản, lỏng lẻo, anh tạo khung thép chắc chắn. Trước đây, người dệt phải ngồi dạng chân trên khung dệt rộng 60 cm, thảm dệt xong phải lòn dưới đáy chỗ người ngồi dệt, dệt đến đâu phải di chuyển khung đến đó, thì nay người dệt ngồi thoải mái trên thiết bị mới.
Người dệt chỉ cần đạp chân nhẹ nhàng thì khung ép sợi lên hoặc xuống, cùng lúc đó đưa con thoi qua, lại rất dễ dàng, nhanh chóng. Sản phẩm dệt xong chỉ cần động tác khẽ kéo cần đẩy là thảm được cuộn lại ở ru lô thứ 2 phía sau thiết bị. Dệt đến khi hết sợi trong ru lô thì tiếp tục cho sợi cuộn vào ru lô, không cần di chuyển máy. Nhờ vậy máy chiếm rất ít diện tích nhà xưởng. Máy có thể dệt nhiều loại thảm khác nhau: ca rô, thun...
Tính ra, nếu sử dụng thiết bị dệt do anh Chính sáng tạo, mỗi người dệt được từ 250 - 300 tấm thảm/ngày, gấp 3 lần thiết bị dệt thủ công thường sử dụng, thu nhập cũng tăng 3 lần, tức khoảng 270.000 đồng/ngày.Ông Huỳnh Mai Thành, chủ Cơ sở dệt thảm Minh Thành cho biết, cơ sở chuyên dệt thảm, may thảm chùi chân các loại. Nguyên liệu là sợi vải thải loại từ các nhà may lớn trong nước, mua về cắt thành sợi để dệt thành thảm. Mỗi tháng cơ sở cho ra thị trường 40 ngàn tấm thảm. Tuy nhiên, với lượng công nhân 300 người, thiết bị dệt thủ công thì năng suất kém. Tính ra, mỗi công nhân với thiết bị cũ chỉ dệt khoảng 100 tấm/ngày (mỗi tấm tiền công 800 đ).
Để nâng cao năng suất, đáp ứng thị trường ngày càng phát triển, ông phải từng bước sử dụng thiết bị dệt mới. Bước đầu chỉ có thể mua khoảng 5 thiết bị của anh Chính (giá khoảng 8 triệu đồng/thiết bị). Công nhân của ông có thể tự sản xuất ở nhà, nếu mua thiết bị này sẽ được ứng trước 50%, sau trả dần bằng công dệt sản phẩm.
Anh Chính cho biết, đây mới là kết quả ban đầu, còn nhiều lỗi cần khắc phục để thiết bị được hoàn thiện. Dần dần anh sẽ cải tiến để thiết bị có nhiều tiện ích, nâng công suất dệt cao hơn, giá thành rẻ hơn.
Nhiều năm qua, nông dân Nguyễn Kim Chính đã không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo, đưa ra thị trường hàng chục thiết bị máy móc hữu ích phục vụ sản xuất. Khoảng năm 2003, anh cải tiến máy cắt lúa rải hàng có thể cắt được lúa ngã, lúa ướt, ruộng lún lầy... nhờ hệ thống rút lúa tự động và bánh lồng cải tiến. Sau đó, anh lại sáng tạo máy cắt cành, hái trái cây, rồi máy tuốt đậu phộng... Anh đã từng giành nhiều giải thưởng trong Hội thi sáng tạo kỹ thuật ở cấp tỉnh và cấp toàn quốc.