Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ bảy, 23/11/2024 , 04:18 pm
Cập nhật : 06/08/2009 , 21:08(GMT +7)
Những vấn đề của CNTT nhưng lại không phải là CNTT
Luật Công nghệ thông tin (CNTT) của Việt Nam quy định tách công nghiệp nội dung khỏi công nghiệp phần mềm. Tuy nhiên, với sự phát triển của CNTT, việc sao chép, quảng bá nội dung thông tin dưới nhiều hình thức như văn bản, hình ảnh, ghi âm…ngày càng trở nên phổ biến. Vấn đề Sở hữu trí tuệ (SHTT), quyền tác giả, quyền sao chép trong môi trường Internet đang là thực tế tồn tại ở Việt Nam. Rõ ràng đây là những vấn đề không phải của CNTT nhưng lại liên quan, chịu ảnh hưởng rất lớn từ CNTT.

Câu chuyện của Google đến Việt Nam

Năm 2004, Google đã số hoá khoảng 5 thư viện của Mỹ đưa lên mạng để mọi người có thể tra cứu thông tin. Google đã có sự thoả thuận trước và được sự đồng ý của các thư viện nhưng lại không xin phép tác giả của các tác phẩm được số hoá. Chính người Mỹ phát hiện ra việc này và họ kiện Google ra toà án Mỹ vì đã vi phạm quyền tác giả tác phẩm. Để tránh đưa nhau ra toà và những rắc rối về mặt pháp lý, Google và những người đưa đơn kiện có thoả thuận với nhau. Google sẽ bồi thường cho hành vi tự số hoá mà không xin phép tác giả một khoản tiền. Google đưa ra con số 45 triệu USD tiền bồi thường. Theo Luật pháp của Mỹ, khi đưa ra một thoả thuận giữa bên đi kiện và bị kiện thì sự thoả thuận đó cũng phải tính đến những người có quyền và lợi ích hợp pháp khác có liên quan đến vụ này.

Lúc đó, rất nhiều tác giả Việt Nam không biết các thư viện của Mỹ có lưu trữ tác phẩm của mình hay không. Trên thực tế chúng ta mới chỉ biết cách đây vài tháng. Đối với Việt Nam hiện có khoảng 4.000 tác phẩm đã được số hoá ở trong hệ thống của Google và sẽ được Google bồi thường nếu như chúng ta chấp nhận tham gia vào thoả thuận. 4.000 tác phẩm của Việt Nam bao gồm cả những tác phẩm trước Cách mạng Tháng 8, tài liệu của Chính phủ... Trong số tác giả hiện nay có liên quan như bên Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả văn học nghệ thuật cho biết mới phát hiện được hơn 100 tác giả là có thể liên hệ được.

Nhiều đại biểu trong buổi Toạ đàm Sở hữu trí tuệ trong thời đại CNTT được tổ chức ngày 29.7.2009 đưa ra câu hỏi: “Làm như thế nào để chúng tôi biết được tác phẩm của chúng tôi đã bị Google số hoá? Đôi khi tôi muốn bạn bè đọc những tác phẩm của mình, tôi nói với họ là vào Google đánh tên tác phẩm đó nó sẽ hiện ra. Vậy ở đây đã có sự can thiệp của Google vào tác phẩm của tôi hay chưa?”.

Sau câu chuyện Google rất nhiều người bắt đầu quan tâm đến quyền SHTT của mình trong thời đại CNTT. Nhưng câu chuyện của Google cũng chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện vi phạm bản quyền SHTT trên Internet hiện nay.  Nhà văn Trang Hạ chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi có trang vanhocmang.net, đây là website đầu tiên và cũng là duy nhất của Việt Nam tập hợp tất cả các tác giả văn học sáng tác thơ văn, truyện truyền kỳ, kiếm hiệp và một số thể loại văn học khác. Bởi vì tất cả các tác phẩm của chúng tôi chính là sản phẩm của CNTT, cái làm cho chúng tôi đau khổ nhất chính là mất quyền SHTT chân chính những tác phẩm của mình. Xin đưa ra một ví dụ nhỏ, khi bản sáng tác một tác phẩm văn học mạng, sau đó bạn đưa lên mạng Internet, bạn có thể công bố trên trang vanhocmang.net, người ta có thể copy rất nhanh và rất đơn giản”.

Cần có giải pháp khoa học hơn

Để biết được tác phẩm của mình đã bị Google số hoá hay chưa, cách duy nhất là vào trang của ban quản lý dự án Google,  đăng ký một acount sau đó dùng acount đó vào phần của tiếng Việt để tìm danh mục các tác phẩm bằng tiếng Việt đã được Google số hoá. Và có thể chấp nhận bồi thường của Google. Đó là cách giải quyết cho vấn đề của Google nhưng còn rất nhiều vấn đề khác có liên quan đến SHTT trong thời đại CNTT cũng cần được giải quyết.

Một nhà văn đã đưa ra cách cấm dùng chuột phải trong trang web của mình. Chuột phải mở ra một danh mục là copy và paste hoặc chèn những dòng chữ trắng vào giữa từng dòng nếu copy sang trang khác thì nó sẽ hiện thị. Nhưng đây cũng chỉ là những biện pháp thụ động. Đứng về mặt kỹ thuật cấm dùng chuột phải, không phải là động tác tin học mà chỉ là một động tác cơ khí.

Viết Blog và đưa các tác phẩm văn học được sáng tác lên trên Internet hoặc lên các phương tiện dùng hệ thống số hoá để lưu chuyển hiện tại là vấn đề mà ngay cả Mỹ và các nước trên thế giới cũng chưa tìm được cách nào để bảo hộ. Có nhà văn nổi tiếng của Mỹ đã thử làm một việc, ông muốn bán tác phẩm gần đây nhất trên Internet. Ông đã đưa một phần đầu tiên tác phẩm lên Internet và cho mọi người đọc miễn phí xem phản ứng của những người tự nguyện đến mua quyền tác giả của ông thế nào. Sau đó, ông sẽ quyết định tiếp xem có nên đưa tác phẩm của mình lên mạng hay không. Nước Mỹ có những chuyên gia giỏi về tin học như vậy cũng không có cách nào bảo đảm rằng những tác phẩm của nhà văn đó không bị xâm phạm.

Theo TS. Mai Hà -  Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách KH&CN- Phó chủ tịch Hội SHTT Việt Nam: “Chúng tôi hoan nghênh mọi hoạt động của cá nhân, tập thể hướng tới việc bảo hộ quyền tác giả của chính mình, của tập thể, bạn bè và cộng đồng.   Đừng  để  khi cửa hàng karaoke hay siêu thị mở bài nhạc của mình ra rồi mới tính đến việc đòi tiền thì gần như là điều không tưởng. Chính vì thế phải có luật để bảo vệ, bảo hộ cho việc trao đổi tự do đó để đảm bảo quyền lợi cho tác giả”.

Chúng ta đã có Luật về Sở hữu trí tuệ, các cơ quan thực thi tương đối  hoàn thiện ví dụ quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, thanh tra của các Bộ… nhưng riêng về tin học chúng ta còn yếu. Nếu không có những vụ việc như vụ Google vừa rồi có lẽ chúng ta cũng chưa cảm thấy vấn đề SHTT trong thời đại CNTT là cần thiết. Có lẽ việc cần làm nữa ở đây là đưa những nhà làm luật và những người chuyên về tin học lại gần hơn với nhau để cùng với các tác giả tìm ra hình thức nào đấy cải thiện tình hình hiện nay.

Thu Uyên
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN


Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner