Từ câu mắng yêu của mẹ "là anh chàng lười" vì mỗi khi làm việc gì anh cũng nghĩ đến chuyện: Tại sao lại không chế ra máy móc để đỡ vất vả hơn? Cho đến nay, khi bước sang tuổi 43, anh Nguyễn Trọng Hào, ngụ tại quận Tân Bình, Tp. HCM đã có trong tay 18 sáng chế mang những tiện ích nhất định trong cuộc sống hàng ngày.
Sáng chế không phải để…oai
Cho dù các sáng chế có được cấp văn bằng bảo hộ hay chưa không quan trọng. Mà quan trọng là nó có hữu dụng không, và nó giải quyết được vấn đề gì, chứ không phải được cấp văn bằng bảo hộ cho oai, hay để đạt được mục đích gì, đó là quan điểm của anh Hào khi làm các sáng chế.
Xuất phát từ quan điểm đó, nên các sáng chế của anh đều bắt nguồn từ những công việc thực tế cụ thể. Một lần, khi tận mắt nhìn thấy người thợ đang lợp tôn và bị rơi từ trên cao xuống đất (lợp tôn như hiện nay là phải leo lên mái, bắn vít vào tôn nên nếu bất cẩn nên rất dễ dẫn đến tai nạn) anh đã tìm tòi và nghĩ ra cách lợp tôn không dùng vít.
Theo cách của anh thì người thợ sẽ dùng giàn giáo và đứng dưới mái để lợp nên an toàn hơn. Hơn nữa làm theo cách này tôn này sẽ không bị thủng nên tuổi thọ sẽ cao hơn. Tuy nhiên do sóng tôn thường có hình thang ngược nên rất khó chồng lại với nhau gây khó khăn cho việc vận chuyển, do đó các công trình lớn mới có thể làm được, khi đó đem máy cán tôn đến tận công trình và cán đẩy tôn nên nóc luôn, anh Hào chia sẻ.
Trong gần 20 sáng chế của mình thì anh Hào đã tiến hành sản xuất và thương mại hóa một số sản phẩm. Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm nào của anh cũng nhận được sự thông cảm và ứng dụng ngay từ đầu. “Đó là câu chuyện khi tôi triển khai sản xuất những chiếc đục khoan đa năng, trong sáng chế này có một số chi tiết đòi hỏi tay nghề thợ cao. Bởi vì, ai cũng muốn giá thành sản xuất phải thấp mà sản lượng, chất lượng phải cao, cho nên cần phải tính toán định mức vật tư sao cho tiêu hao ít nhất. Vì thế khi tôi tiến hành thực hiện, một trong những người thợ giỏi nhất của tôi nói: "Sao anh không nghĩ ra cái gì dễ dễ làm cho anh em đỡ vất vả?”. Nghe xong ai cũng cười ồ lên. Tôi nói rằng những cái anh em đang làm đây sẽ mang giá trị gia tăng cao gấp nhiều lần những cái dễ dễ kia, và sẽ được xã hội đền đáp một cách xứng đáng…” anh Hào vui vẻ kể lại.
Thuyết phục đối tác bằng …thơ
“Để thuyết phục đối tác cho công ty tôi áp dụng Phương pháp bo sắt hình sin, giúp tăng cường lực uốn cho đà và cột vào công trình xây dựng, tôi cũng đã năn nỉ họ gãy lưỡi. Nhưng chủ đầu tư nhất quyết không dám thay đổi so với thiết kế vì phương pháp này quá mới nên họ không tin. Rất may, tôi phát hiện ra chủ đầu tư rất thích làm thơ, và ông ta có trên 2000 bài. Trong khi đó, tôi cũng thích “món” này, hai người trao đổi mãi rồi ông cũng mến. Cuối cùng ông cũng cho phép công ty của mình áp dụng thử. Tuy rất tự tin vào phương pháp này, nhưng ngày thi công tôi hồi hộp vô cùng. Sau khi thi công xong không ai tin nổi vào hiệu quả trước mắt nên sau đó ông ấy mạnh dạn cho áp dụng hàng loạt.” anh Hào chia sẻ.
... đã được ứng dụng thành công (Ảnh: Trọng Hào)
Theo anh Hào thì cách bo sắt (tức là buộc sắt) đai vào sắt chủ theo cách truyền thống là các vòng sắt đai song song nhau tạo thành các hình tứ giác nên không có tác dụng tăng cường lực uốn cho đà, chỉ có tác dụng định hình các sắt chủ lại theo kích thước nhất định. Còn theo cách mới, các vòng sắt chủ được bo theo hình sin, nên tạo ra các hình tam giác nối tiếp nhau, và các hình tam giác này có tác dụng tăng cường lực uốn cho đà ngoài tác dụng định hình sắt chủ.
Điều này giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm được sắt, khẩu độ đà có thể nới rộng hơn bình thường, giảm thiểu tai nạn do đà yếu dẫn đến sập sàn bê tông. Nếu áp dụng theo cách này thì Việt Nam một ngày có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng tiền sắt xây dựng.