"Ông nông dân" Mai Văn Tình, 64 tuổi, ấp Tân Định 2, xã Suối Đá, H.Dương Minh Châu (Tây Ninh) rất được bà con yêu mến vì những sáng chế độc đáo và hiệu quả của ông.
Máy cắt hom khoai mì
Ông Tình kể gia đình mình có hơn 5 ha đất trồng khoai mì nhưng mỗi năm đều phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nhân công chặt hom mì. Có ngày nhân công phải đốt đèn suốt đêm chặt hom khoai mì mới kịp trồng. Đã vậy, do chặt thủ công bằng rựa nên nhiều hom mì bị giập, khiến tỷ lệ cây sống thấp, năng suất không cao. Từ đó, ông Tình trăn trở nghĩ đến việc chế tạo một chiếc máy chặt.
Ông đã tháo tung hàng loạt những máy móc có chức năng cuốn, chặt như máy gặt đập liên hợp, máy xay sinh tố... để nghiên cứu. Đầu năm 2013, ông bắt đầu chế tạo máy. Cứ đi rẫy về là ông lao ngay vào việc cắt gọt các vật liệu để chế tạo máy cắt. Thế nhưng làm đi làm lại hàng chục lần song hệ thống dao cắt hom mì vẫn không cắt ngọt như ý muốn. Đến khi dao cắt ngọt thì số đốt mì cắt xong không tuồn được ra mà đùn ứ lại trong máy. Không nản chí, ông tiếp tục mày mò và sau đó đã hoàn thiện chiếc máy sử dụng 4 đường cắt với hệ thống dao cắt 16 lưỡi bằng thép, hom mì không bị giập hai đầu.
Ông Tình cho biết: “Chỉ cần một nhân công đứng máy là có thể đạt năng suất bằng 5 - 6 nhân công chặt tay, lại không hao hụt cây giống và đạt năng suất trồng tốt”. Dẫn chúng tôi ra xem đám mì xanh tốt được trồng từ hom mì cắt bằng máy, ông Tình hớn hở: “Mấy tháng nay, nhiều bà con các xã lân cận thấy chiếc máy hiệu quả đã tìm đến mướn hoặc mượn máy về sử dụng. Nhiều bà con đặt hàng tui chế tạo máy này để sử dụng đó”. Ông cũng cho biết cái máy đầu tiên này được chế tạo với chi phí 20 triệu đồng, những cái sau đó chỉ khoảng 10 - 15 triệu đồng.
Máy cào kiêm lu đường
Một sáng chế khác của ông Tình vừa đoạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tây Ninh lần 8 (2012 - 2013) là chiếc máy cào đất, lu mặt đường. Ông Tình kể trong thời gian kiếm sống bằng nghề san đất làm đường nông thôn tại các xã ở H.Dương Minh Châu, sau khi san đất xong ông phải nằm lại chờ có khi đến 2, 3 ngày để xe lu tới lu mặt đường. Thế là ông nghĩ đến việc cải tiến để xe san đất đồng thời có thể lu đường luôn.
Nghĩ là làm, ông đi TP.HCM tìm mua ống thép và các thiết bị cần thiết về nghiên cứu làm bánh lu và ông đã thành công. Hàng loạt tuyến đường nông thôn nhờ chiếc máy cải tiến này đã nhanh chóng được làm phẳng, đưa vào sử dụng đúng tiến độ.
Ông Tình phân tích: “Đang giữa lúc làm đường cần xe lu mà muốn có xe lu chuyên dụng phải đợi rất lâu. Trong khi xe đa năng hoạt động nhanh gấp 4 lần xe lu chuyên dụng”. Chiếc xe đa năng này đã giúp ông Tình “thầu” luôn phần lu mặt đường đạt hiệu quả cao tại hàng trăm kilomet đường ở H.Dương Minh Châu thời gian qua.
Ông Tình hóm hỉnh cho biết: “Cơ hội làm giàu do mình tự tạo, cứ siêng năng, cần cù là sẽ có kết quả nên chỉ cần khỏe mạnh là tôi còn sáng chế thêm nhiều thiết bị có ích khác nữa, trong đầu tôi còn nhiều thứ hữu ích lắm”.