Mỗi dự án khởi nghiệp tại cuộc thi Sinh viên khởi nghiệp đều được Ban giám khảo nhận định đã hướng đến cộng đồng...
6 dự án khởi nghiệp tốt nhất đã xuất sắc vượt qua gần 100 dự án tham dự cuộc thi vào vòng chung kết. Dù là ý tưởng khởi nghiệp, nhưng một số bạn đã thực hiện thương mại hóa sản phẩm từ trước đó. Điều này khiến các sinh viên rất tự tin khi giới thiệu dự án của mình trước ban giám khảo.
Bạn Nguyễn Phúc Sang, sinh viên ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM mang đến cuộc thi tâm trạng của một người “nặng nợ” với… xơ dừa.
Sang sinh trưởng trong một gia đình làm nghề thủ công mĩ nghệ với những sản phẩm được làm từ dừa – một đặc phẩm vùng đất Bến Tre, quê hương của em.
Trong một lần vô tình làm rơi chiếc chậu cây được làm từ xơ dừa, Sang nhận thấy chiếc chậu này lại không hề bị thấm nước. Ý nghĩ lóe lên trong đầu Sang: Tại sao không biến tấu những chậu cây này làm nón, sử dụng loại keo kết dính để làm tăng độ bền của sản phẩm.
“Nón từ xơ dừa là một sản phẩm rất độc đáo, lạ mắt, chất liệu lại thân thiện với môi trường và độ bền cao. Nếu người chế tác nón biết tạo ra những họa tiết, hình vẽ đẹp trên sản phẩm thì đây được xem là sản phẩm rất phù hợp cho khách du lịch” - Sang nói.
Cậu sinh viên vùng dừa Bến Tre tiếp tục lý giải, để làm một chiếc nón thành phẩm tốn đến 17 công đoạn. Tuy nhiên, sản phẩm nón làm từ xơ dừa lại chỉ phải trải qua 7 công đoạn. Không những thế nón từ xơ dừa lại có độ bền cao hơn, độc đáo hơn.
Ông Đỗ Nguyên Thanh Đồng, Giám đốc công ty ACIS khi dùng thử sản phẩm tỏ ra lo ngại về độ bền sản phẩm.
“Nón này nhìn tổng quan thì rất đẹp, nhưng tôi cảm thấy nó chỉ có thể che nắng còn nếu để che mưa liệu có đảm bảo không?”- ông Đồng hỏi.
Phúc Sang đáp ngay, sản phẩm này có thể chịu mưa liên tục trong 4 tiếng đồng hồ và có thể đảm bảo về độ bền.
“Quan trọng nhất chính là chất keo kết dính sử dụng ở bề mặt sản phẩm. Chất keo này chính là yếu tố quyết định độ bền sản phẩm nón này”- Sang quả quyết.
Quan tâm đến vấn đề làm đẹp, sinh viên Nguyễn Thị Phương Uyên, ĐH Văn Hiến lại tạo ra sản phẩm thực phẩm chức năng bột giảm cân có cái tên rất độc là “Lu xu bu”.
Sản phẩm bột giảm cân của Phương Uyên. Ảnh: Hà Thế An.
Thực phẩm này được làm từ mè đen và gạo lứt. Phương Uyên chia sẻ, loại bột này sau một thời gian sử dụng có hiệu quả giảm cân rất rõ rệt. Chính cô bạn này đã thử làm “chuột bạch” cho sản phẩm của mình.
“Tùy vào cơ địa của mỗi người mà thực phẩm có hiệu quả khác nhau. Nhưng trong vòng 2 tuần sử dụng sản phẩm, các bạn nữ có thể giảm 15 cm vòng bụng”- Uyên chia sẻ.
Không chỉ có tác dụng giảm cân loại bột giảm cân này còn có tác dụng làm đẹp da, lợi sữa cho những bà mẹ có con nhỏ.
Ông Lâm Quang Tuấn, đại diện công ty Hùng Hậu cho rằng, những sản phẩm thực phẩm chức năng muốn đi vào thị trường phải xây dựng được niềm tin của khách hàng khi sử dụng sản phẩm. Khi đó được một lượng khách hàng thân thiết và có sự đánh giá về hiệu quả thì khi đó sản phẩm mới mở rộng được khách hàng.
Những dự án khởi nghiệp dành được sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Hà Thế An.
Quan tâm đến những giá trị tin thần, Lý Tường Lợi, sinh viên ĐH Văn Hiến lại muốn tạo ra một không gian giáo dục dành cho trẻ tự kỷ với tên gọi TUKI Land.
Lợi nói rằng, cuộc sống hiện đại ngày nay, số lượng trẻ em mắc bệnh tự kỷ đang gia tăng nhanh chóng, điều này tạo ra những áp lực không nhỏ cho gia đình, xã hội.
“Song hiện nay, nhiều gia đình có con nhỏ bị chứng tự kỷ nhưng lại không có đủ điều kiện tài chính để chữa trị. Với dự án TUKI Land, em mong muốn tạo ra một môi trường giáo dục để những gia đình có thu nhập trung bình cũng có thể tham gia” - Lợi bộc bạch.
Không gian giành cho trẻ tự kỷ là một yếu tố quan trọng trong giáo dục trẻ. Hoạt động giáo dục ngoài những giáo viên còn phải có sự tham gia của các bậc phụ huynh.
Ông Phạm Tùng Lâm, Phó Tổng biên tập Tạp chí Khám phá cho rằng, đây là một dự án mang đậm tính nhân văn, vì cộng đồng. Tuy nhiên, ông Lâm lưu ý, việc giáo dục trẻ tự kỷ phải đến từ những liệu pháp tâm lý để điều trị bệnh cho các em nhỏ.
ĐH Văn Hiến luôn quan tâm, hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp
Trao đổi với Khám phá, ông Đặng Thanh Vũ - Giám đốc điều hành ĐH Văn Hiến cho biết, cuộc thi sinh viên khởi nghiệp chỉ là một trong những hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp dành cho sinh viên mà nhà trường tổ chức.
Theo ông Vũ, hiện nay ĐH Văn Hiến đã có thành lập CLB doanh nhân. Các buổi sinh hoạt của CLB này được tổ chức định kỳ nhằm truyền tải kiến thức giúp sinh viên có sự ham thích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Trường ĐH Văn Hiến cũng đã thành lập một không gian đổi mới sáng tạo trong không gian trường (đường Điện Biên Phủ, Q.3). Đây là nơi giúp các bạn sinh viên tiếp tục phát triển ý tưởng, dự án của mình sau các cuộc thi, kết nối các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư để hoàn thiện dự án.
“Chúng tôi đã ký kết hợp tác với khoảng 140 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây là nguồn lực hỗ trợ các bạn sinh viên khởi nghiệp, giúp sinh viên tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp, phát triển kỹ năng nghề nghiệp…”- ông Vũ nói.