Trong “Thảo luận bàn tròn và hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng” tổ chức ngày 26/9/2022, các cơ quan thực thi pháp luật, những cơ quan hữu quan và nhiều doanh nghiệp đã nhấn mạnh những thách thức to lớn trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên không gian mạng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và SHTT
Theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Chính phủ Việt Nam xem sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) - trong đó SHTT được xác định là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động ĐMST. Trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đối với hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thể hiện thông qua việc Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và SHTT cụ thể là: Chiến lược SHTT đến năm 2030; Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030… trong đó đặt ra các chỉ số cụ thể cho lĩnh vực SHTT; Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua với số phiếu nhất trí rất cao. Điều đó thể hiện sự quyết tâm rất cao của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách và khung pháp lý về SHTT đáp ứng việc thực thi có hiệu quả các cam kết SHTT trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Trong kỷ nguyên công nghệ số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu thì vai trò của ĐMST và quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu đặc biệt quan trọng trong hoạt động thương mại và phát triển kinh tế. Các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến hệ thống thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước sở tại. Chính vì thế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để nâng cao hơn nữa hệ thống sở hữu trí tuệ nói chung và hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói riêng (trong đó bao gồm cả thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên mội trường trực tuyến).
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, các hoạt động kinh doanh trực tuyến đang bùng nổ với đa dạng nền tảng kinh doanh, hình thức giao dịch. Những lợi ích thu được từ việc chuyển đổi mô hình hình này là rất lớn, có sức hấp dẫn đối với các nhà sản xuất, kinh doanh và ngày càng thu hút được nhiều chủ thể tham gia. Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận của thương mại trực tuyến, môi trường kinh doanh này cũng cho thấy những thách thức trong đó có vấn đề thực thi quyền sở hữu trí tuệ, khi mà hoạt động giao dịch thương mại vượt qua giới hạn địa lý, lãnh thổ.
Nhận thức được tầm quan trọng của thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc phòng, chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường, trong đó phải kể đến các sửa đổi đáng ghi nhận tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, việc tăng cường hợp tác về xây dựng thể chế và thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ của 09 bộ ngành thành viên Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Chương trình 168 giai đoạn III) và sự vào cuộc của hệ thống các cơ quan trung ương và địa phương.
Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mở ra nhiều cơ hội trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng như tạo ra các phương thức sáng tạo mới, các hình thức khai thác, sử dụng, phân phối, truyền đạt mới ... Đồng thời, môi trường mạng cũng đặt ra các thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Đặc biệt, hiện nay hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, đã và đang trở thành thách thức lớn trong xác định và xử lý hành vi vi phạm bản quyền.
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết, các cam kết tại các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam là thành viên, trong đó có các cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đã đạt được, hoạt động thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác vẫn gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực với các hình thức và mức độ vi phạm khác nhau, đặc biệt là trên môi trường mạng.
Sự tồn tại và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Để Luật Sở hữu trí tuệ và các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan mà Việt Nam đã tham gia thực sự đi vào cuộc sống, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các cơ quan của các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Đề án “Tăng cường năng lực quản lý, thực thi có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 20/01/2017 và Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 về việc phê duyệt ‘Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam‘.
Để có thể thực thi bảo hộ có hiệu quả quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng cần có sự chung tay hợp tác của các chủ thể quyền, các cơ quan ban ngành và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế trong phát hiện và xử lý vi phạm và thúc đẩy khai thác hợp pháp.
Ông Nguyễn Quang Dũng: Với tư cách là cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp về hình sự, Viện Kiểm sát Nhân nhân tối cao Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước trong xử lý các hành vi xâm phạm SHTT.
Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các quy định của pháp luật Việt Nam về xử lý hành chính, hình sự về sản xuất và buôn bán hàng giả là rất nghiêm khắc. Về khung hình sự, người sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái có thể sẽ phải đối mặt với mức án tử hình đối với việc cung cấp những thực phẩm, dược phẩm giả, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người, xã hội.
Một lần nữa, ông Dũng nhấn mạnh, Việt Nam luôn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ đối với các sản phẩm trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhưng để thực hiện sở hữu trí tuệ với quy mô toàn diện, đòi hỏi phải có sự kết hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan nước ngoài.
Bài, ảnh: Nhóm PV