Banner TOP trái 1
Banner TOP phải 3
Sở hữu trí tuệ Thứ sáu, 22/11/2024 , 11:26 pm
Cập nhật : 06/04/2016 , 09:04(GMT +7)
Nhãn hiệu cà phê arabica Langbiang
Cà phê arabica Langbiang, huyện Lạc Dương chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu và có hiệu lực trong vòng 10 năm. Đây là văn bản xác lập hành lang pháp lý, nhằm bảo hộ độc quyền đối với cây cà phê arabica sản xuất dưới chân núi Langbiang.

Cà phê arabica trên độ cao hơn 1.200 m

Theo UBND huyện Lạc Dương, trong thập niên 80 của thế kỷ trước, cây cà phê arabica (thường gọi là cà phê chè) bắt đầu định canh khoảng 60ha trên các vùng đất thuộc xã Lát, thị trấn Lạc Dương (dưới chân núi Langbiang) và xã Đưng K’Nớ. Với khí hậu nằm trong vùng ôn đới, độ cao từ 1.200 - 1.600m so với mặt biển, tài nguyên đất đỏ bazan, lượng mưa quanh năm khá nhiều… đã hợp thành những điều kiện hết sức thuận lợi cho huyện Lạc Dương nhanh chóng phát triển cây cà phê arabica trở thành cây chủ lực của địa phương. Cụ thể, diện tích cà phê arabica toàn huyện Lạc Dương đã tăng lên liên tục hàng năm, đến năm 2008 gần 2.100ha và đến nay gần 3.600ha. Trong đó gồm: gần 3.270ha cà phê kinh doanh, 60ha cà phê kiến thiết cơ bản và gần 270ha cà phê trồng mới, đạt năng suất bình quân 2,8 - 3 tấn nhân/ha. Tính theo mức giá ở thời điểm cuối tháng 3/2016 trên thị trường Lâm Đồng, cà phê arabica bán ra gần 50.000 đồng/kg nhân, cao hơn 17.000 đồng/kg nhân cà phê robusta (cà phê vối).

Qua thực tiễn sản xuất và phát triển hơn ba thập niên, ngành Nông nghiệp Lâm Đồng đã đánh giá những ưu thế của cây cà phê arabica sinh trưởng trên các vùng sinh thái dưới chân núi Langbiang, Lạc Dương là: “có thể trồng được mật độ dày hơn bình thường, cây phát triển thấp cân đối, kích thước cành ngắn, sinh trưởng trong môi trường hạn chế đáng kể sâu đục thân gây hại và có khả năng đề kháng được bệnh rỉ sắt, kết quả thu hoạch cà phê nhân đạt các chỉ tiêu chất lượng khá cao”. Được biết, huyện Lạc Dương đã được quy hoạch là một trong những vùng sản xuất cà phê arabica trọng điểm trong mục tiêu phát triển trên dưới 25.000ha đến năm 2020 trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng, tăng khoảng 10.000ha so với tổng diện tích hiện có.

Vùng cà phê arabica an toàn, bền vững

Trong cơ cấu cây trồng ở huyện Lạc Dương, cây cà phê arabica một lần nữa được xác định là cây trồng chính có lợi thế so sánh của vùng đất dưới chân núi Langbiang, hàng năm góp phần không nhỏ để tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương, đồng thời là nguồn thu nhập thường xuyên nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Bình quân mỗi hộ gia đình sản xuất cà phê arabica Langbiang với quy mô diện tích từ 0,5 - 2ha. Thông qua việc lồng ghép các chương trình mục tiêu, ngành nông nghiệp huyện Lạc Dương đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ nông dân nâng cao năng suất, chất lượng cà phê arabica sau thu hoạch. Như đã cấp 120 máy xay chế biến cà phê ướt cho 120 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt còn xây dựng thành công 2 mô hình điểm về sản xuất cà phê arabica an toàn tại thôn DanKia, xã Lát. Mỗi hộ gia đình được chọn sản xuất một mô hình với diện tích 0,5ha. Các kỹ sư nông nghiệp của huyện Lạc Dương được phân công xuống vườn cà phê hướng dẫn trực tiếp từng hộ gia đình thực hành các công đoạn xử lý kỹ thuật như: tỉa cành, tạo tán, giữ khoảng cách phù hợp nhất giữa các cây để khi ra hoa, đậu trái với năng suất cao nhất; rồi đến công đoạn làm sạch cỏ, bón liều lượng phân cân đối theo từng hàng cây, trong đó, tăng bón thúc với 3 đợt/năm (thay vì 2 đợt/năm theo cách chăm sóc thông thường). Cuối cùng là ghi chép nhật ký hàng ngày về diễn biến sâu bệnh, các biện pháp và hiệu quả phòng trừ...   

Kết quả sau một vụ mùa, so  sánh các chỉ tiêu về phòng trừ sâu bệnh, về năng suất, chất lượng trên cây cà phê arabica cho thấy, vườn mô hình sản xuất theo hướng an toàn đạt hiệu quả vượt trội so với vườn đối chứng sản xuất theo kinh nghiệm cũ. Từ đây, ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương chính thức hoàn chỉnh quy trình sản xuất cà phê arabica an toàn, đồng thời bước đầu đã tổ chức hội thảo, tập huấn chuyển giao cho hơn 100 hộ gia đình nông dân và đào tạo 15 kỹ thuật viên thường trực trợ giúp những hộ nông dân khác chuyên canh cà phê arabica trên các địa bàn trong huyện. Với định hướng phát triển vùng cà phê arabica ổn định, bền vững, an toàn và đạt chất lượng cao, đáp ứng đầy đủ các điều kiện xuất khẩu, bên cạnh các giải pháp xây dựng quy hoạch tổng thể từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cây đến khâu thu hoạch, chế biến cà phê theo một quy trình thống nhất, đầy đủ; thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác đất dốc hợp lý, chú trọng bón phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh với tỷ lệ thích hợp… thì việc xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu “cà phê arabica Lang Biang” là nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.  

Trong năm 2016, huyện Lạc Dương tiến hành xét cấp thí điểm nhãn hiệu cà phê arabica Langbiang cho một số tổ chức và cá nhân hội đủ các điều kiện quy định, sau đó nhân rộng trên địa bàn. Thông qua đó, huyện Lạc Dương tiến tới thắt chặt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm làm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng giả mạo sản phẩm, gian lận thương mại, đồng thời khẳng định uy tín, vị thế của nhãn hiệu cà phê arabica Langbiang đối với thị trường nội địa nói riêng, đối với thị trường quốc tế nói chung.

 

Nguồn tin: baolamdong.vn

Ý kiến của bạn
Tên của bạn : *
E_mail : *
Tiêu đề : *
Nội dung : * (Bạn vui lòng gõ tiếng Việt có dấu)
 
Mã bảo mật :   
   
Các tin khác

   
Xem tin theo ngày
   
 
Xem nhiều nhất

English
Thăm dò ý kiến
Bạn biết website “truyenthongkhoahoc.vn” qua nguồn thông tin nào?
Bạn bè giới thiệu
Qua Google
Qua sách báo, quảng cáo banner