Mong Chính phủ, Nhà nước có đơn đặt hàng nhà khoa học nghiên cứu và được đầu tư đến sản phẩm cuối cùng. Nghiên cứu trên quan điểm nghiên cứu cái xã hội cần chứ không nghiên cứu cái mình thích.
PGS.TS. Vũ Đình Lãm, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã bày tỏ như trên trước khi diễn ra Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh mới đây.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết một số điểm chính về tình hình nghiên cứu của Viện trong thời gian qua?
- PGS.TS. Vũ Đình Lãm: Viện chúng tôi là Viện Khoa học Vật liệu thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Có thể nói đây là Viện nghiên cứu lớn nhất Việt Nam nghiên cứu về khoa học vật liệu, có số cán bộ biên chế và hợp đồng gần 300, trong đó có 80 Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ và Cử nhân.
Thời gian qua, số công trình nghiên cứu được công bố quốc tế của Viện tăng đột biến, ngoài ra còn có một số sản phẩm công nghệ đã được áp dụng. Nhất là gần đây có một số sản phẩm Nano tinh nghệ đã được cộng đồng đón nhận hào hứng. Sản phẩm này được sản xuất hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, Viện chúng tôi còn có thiết bị hiện đại là kính hiển vi điện tử truyền qua phục vụ rất tốt cho việc nghiên cứu các vật liệu kích thước nano. Hiện nay, tại Hà Nội mới có 4 thiết bị như vậy.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ cũng đã có sự quan tâm mạnh mẽ đến việc đầu tư trang thiết bị, điều kiện nghiên cứu cho các nhà khoa học. Bắt đầu từ 2008 Viện Vật liệu được đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm về vật liệu và linh kiện điện tử. Nhờ sự đầu tư này, Viện đã trang bị được một số máy móc, thiết bị phục vụ tốt cho nghiên cứu chính, góp phần nâng cao hiệu quả nghiên cứu.
Tôi thấy rằng ứng dụng KH&CN vào cuộc sống là rất quan trọng. Muốn nước ta trở thành nước công nghiệp, hiện đại hóa thì vai trò của KH&CN là rất lớn và tôi cho rằng sự đầu tư đó là hoàn toàn đích đáng.
Nghiên cứu khoa học sẽ ý nghĩa hơn khi thực tiễn đặt hàng (Ảnh: PH)
PV: Trong quá trình nghiên cứu, Viện có gặp khó khăn gì không?
- Tôi thiết nghĩ có khó khăn thì đó là tình hình chung, khó khăn chung của cả nước. Các đầu tư vào nghiên cứu khoa học chủ yếu là các đầu tư bước đầu. Cũng có nhiều nghiên cứu được đầu tư bài bản, tuy nhiên cũng còn nhiều nghiên cứu còn đầu tư chưa được đồng bộ. Đây cũng là một khó khăn cho các khoa học. Thêm đó, chế độ đãi ngộ cho các nhà khoa học chưa được xứng đáng nên chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc thu hút nhân tài, người có trình độ cao phục vụ công tác nghiên cứu.
Một khó khăn nữa có thể kể đến là các nhà khoa học chủ yếu làm nghiên cứu còn các công tác thủ tục giấy tờ, thanh quyết toán thì chưa thực sự tốt nên nếu có cơ hội nào dành riêng cho các nhà khoa học thì tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức để đầu tư vào nghiên cứu. Tuy nhiên, tôi thấy rằng tình trạng này đã giảm hơn trước khá nhiều từ khi Luật KH&CN sửa đổi được ban hành.
PV: Ông có đề xuất gì với các cơ quan có trách nhiệm để thúc đẩy nghiên cứu khoa học?
- Chúng tôi rất mong Chính phủ, Nhà nước có đơn đặt hàng cho chúng tôi nghiên cứu và được đầu tư đến sản phẩm cuối cùng. Nghiên cứu trên quan điểm những gì xã hội cần chứ không nghiên cứu theo ý thích của mình.
Hiện nay chi cho khoa học và công nghệ được 2% tổng chi ngân sách. Tôi thấy rằng khoản chi thực cho nghiên cứu còn ít so với kỳ vọng của nhà khoa học. Ngành khoa học là ngành đặc thù nên những người làm khoa học mong muốn Đảng và Chính phủ có những chính sách ưu đãi, ví dụ như tăng lương hoặc có những đãi ngộ riêng, tạo môi trường làm việc thuận lợi để các nhà khoa học yên tâm nghiên cứu. Tôi tin rằng nếu đầu tư thiết bị cho nghiên cứu khoa học tốt thì sẽ có sản phẩm nghiên cứu tốt. Có như vậy thì nghiên cứu khoa học sẽ gắn với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Hoàng Anh