Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính về nội dung dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, cần tính toán việc phân cấp, chịu trách nhiệm, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn để KH,CN&ĐMST phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Đồng thời cần có cơ chế, hành lang để hậu kiểm, đánh giá, kiểm soát kịp thời, hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bùi Thế Duy và các đại biểu đã trao đổi, bàn luận về những giải pháp đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động KH,CN&ĐMST được đề cập trong dự thảo Luật như cơ chế quỹ; cơ chế khoán chi; quỹ phát triển KH&CN; kiểm soát chi; thời điểm lập danh mục nhiệm vụ KH,CN&ĐMST; thu hồi kinh phí các nhiệm vụ KH&CN…
Sửa đổi nội dung chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Theo báo cáo của Ban soạn thảo, Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST sửa đổi các nội dung chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ các nội dung chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp KH&CN. Cụ thể, chi đầu tư phát triển KH&CN gồm những nội dung: Chi dự án đầu tư tiềm lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho tổ chức KH&CN công lập; dự án đầu tư tiềm lực, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN; dự án đầu tư tiềm lực cho khu nghiên cứu phát triển trong các khu công nghệ cao; cấp vốn điều lệ, cấp bổ sung vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thuộc đối tượng đầu tư công; các khoản chi liên quan khác.
Chi sự nghiệp KH&CN gồm các nội dung: Chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, chi cho các nhiệm vụ, hoạt động quản lý nhiệm vụ KH&CN; các nhiệm vụ quản lý nhà nước đặc thù về KH&CN; kinh phí chi thường xuyên theo quy định pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực KH&CN; chi thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc lĩnh vực KH&CN; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý về KH&CN, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; kinh phí mua cơ sở dữ liệu KH&CN, mua kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, mua công nghệ để hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ của các tổ chức, doanh nghiệp; hỗ trợ chuyển giao, nhập khẩu công nghệ; các nhiệm vụ phổ biến tri thức; hỗ trợ các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST; tăng cường năng lực nghiên cứu cho tổ chức KH&CN công lập; tăng cường năng lực, chi hỗ trợ thực hiện dịch vụ sự nghiệp công cho các tổ chức phục vụ quản lý nhà nước về KH&CN; các khoản chi có liên quan khác.
Hoàn thiện quy định về lập dự toán, cấp, sử dụng, quản lý kinh phí
Quy định về lập dự toán, cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ NSNN được hoàn thiện. Theo đó, việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN phải kịp thời khi xuất hiện vấn đề nghiên cứu. Kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được cấp thông qua quỹ phát triển KH&CN của Nhà nước hoặc chuyển vào tài khoản tiền gửi của tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN tại Kho bạc Nhà nước. Dự toán NSNN dành cho các nhiệm vụ mở mới dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ KH&CN sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch. Việc sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN được thực hiện theo ủy nhiệm chi của cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN và quyết toán khi kết thúc hợp đồng, không phụ thuộc vào năm tài chính.
Các tổ chức công lập được thực hiện cơ chế khoán chi trong triển khai nhiệm vụ KH&CN; được tự phê duyệt dự toán chi tiết để chi cho nhiệm vụ tùy theo tiến độ, nhân lực thực tế; nội dung chi cho công lao động phải nhập chung vào nguồn thu để chi trả cho những cá nhân trực tiếp tham gia nhiệm vụ KH&CN, những cá nhân tham gia hỗ trợ nhiệm vụ KH&CN và những nội dung thuê khoán chuyên môn khác.
Hoàn thiện quy định về các quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thùy Linh - Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, khi Quốc hội giám sát đã đặt vấn đề Bộ KH&CN có 2 quỹ (Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới KH&CN quốc gia). Trong đó, Quỹ Đổi mới KH&CN đã xây dựng theo mô hình là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, phải tự bảo toàn, nhà nước chỉ cấp vốn ngoài ngân sách. Bộ KH&CN cần thuyết minh mô hình hoạt động của 2 quỹ.
Còn Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, đây không phải là vấn đề mới. Chúng ta vẫn nói về cơ chế quỹ, nhưng không làm rõ được hoạt động của cơ chế này. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia có ưu việt hơn là được chính phủ cam kết mỗi năm được cấp 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần thay đổi cách làm và quy trình hiện nay để hoạt động hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, cơ chế quỹ bản chất là giao quyền tài trợ cấp kinh phí cho các quỹ, cấp kinh phí dựa trên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Mục tiêu lớn nhất của cơ chế quỹ là làm thế nào để kinh phí đến được với nhà khoa học nhanh nhất, sớm nhất. Tuy nhiên, cũng cần có cơ chế đánh giá, kiểm soát kịp thời, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại buổi làm việc.
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù hoạt động tài trợ của quỹ.
Theo đó, ngân sách hoạt động của Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia bao gồm: nguồn kinh phí được cấp ban đầu, kinh phí cấp bổ sung hằng năm vào tài khoản tiền gửi của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác. Cơ quan Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nhiệm vụ quản lý Quỹ.
Quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được hình thành từ nguồn vốn được cấp một lần ban đầu từ NSNN dành cho phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vốn bổ sung hằng năm từ phân bổ ngân sách cho nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh và kết quả hoạt động của quỹ; đóng góp của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động KH,CN&ĐMST được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính là khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước khuyến khích các tổ chức thành lập Quỹ Phát triển KH&CN theo quy định của pháp luật. Quỹ Phát triển KH&CN của tổ chức là khoản tiền dành cho: nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; đầu tư, tài trợ cho các hoạt động KH,CN&ĐMST. Quỹ Phát triển KH&CN của tổ chức được hình thành từ nguồn vốn và tài sản đóng góp của tổ chức, không có nguồn gốc từ NSNN; khoản đóng góp tự nguyện, hiến, tặng của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác.
Những đổi mới về đầu tư và tài chính phục vụ phát triển KH,CN&ĐSMT trong dự thảo Luật KH,CN&ĐSMT:
- Bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển KH,CN&ĐSMT của quốc gia làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch KH,CN&ĐMST hằng năm, bao gồm cả kinh phí dự phòng cho nhiệm vụ KH&CN trong tình huống đột xuất, khẩn cấp.
- Hoàn thiện quy định về lập dự toán, cấp, sử dụng, quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN từ NSNN. Sửa đổi các nội dung chi NSNN cho phù hợp với thực tiễn; làm rõ các nội dung chi đầu tư phát triển và chi sự nghiệp KH&CN.
- Sửa đổi quy định về thực hiện cơ chế khoán chi trong triển khai nhiệm vụ KH&CN. Hoàn thiện quy định thu hút đầu tư ngoài NSNN cho hoạt động KH,CN&ĐMST.
- Hoàn thiện quy định về Quỹ phát triển KH&CN quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác thuộc Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với tình hình thực tiễn và đặc thù hoạt động tài trợ của Quỹ.
- Bổ sung về nguyên tắc chính sách thuế đối với hoạt động KH,CN&ĐMST để làm căn cứ đề xuất các ưu đãi cụ thể trong các luật về thuế. Bổ sung chính sách tín dụng đối với hoạt động KH,CN&ĐMST.
|
Bài, ảnh: Linh Chi