Được giới khoa học ghi nhận là một trong những người có vai trò lớn trong việc xây dựng ngành địa lý Việt Nam cũng như phác thảo bức tranh tổng thể về thiên nhiên lãnh thổ Việt Nam, GS Lê Bá Thảo đã vinh dự được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 cho cụm công trình: Thiên nhiên, lãnh thổ và các vùng địa lý Việt Nam...
Tấm gương sáng tạo không ngừng
Giải thưởng cao quý này đến với GS Lê Bá Thảo khi ông đã vĩnh viễn ra đi cách đây 12 năm. Nói về nhà khoa học, người thầy của mình, GS. TS Nguyễn Viết Thịnh, nguyên trưởng khoa Địa lý ĐHSP Hà Nội, hiện là Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội đã từng viết: tấm gương suốt một đời lao động cật lực, vừa tự học, vừa cống hiến và sáng tạo không ngừng. Đó là trách nhiệm công dân của một nhà trí thức lớn trước những lo toan của đất nước. Đó là lòng trung thực, khảng khái của nhà khoa học. Đó là những công trình mà Thầy để lại cho đời sau. Đó là niềm tin mà Thầy đã đặt vào các thế hệ học trò của Thầy và các đồng nghiệp của Thầy.
Các thế hệ học trò của GS Lê Bá Thảo luôn nhớ về ông với những bài giảng không chỉ đầy ắp các thông tin, kiến thức địa lí mà còn là mẫu mực về phương pháp giảng dạy nêu vấn đề. GS Thịnh nhớ lại: “Trong giờ giảng của ông, cánh sinh viên chúng tôi luôn phải tập trung tư tưởng cao độ, bởi vì ông hay đưa ra những câu hỏi làm đảo lộn cả tư duy thông thường của chúng tôi, làm cho chúng tôi phải lúng túng, nhưng đồng thời cũng làm cho chúng tôi cảm nhận được cái đẹp của tư duy địa lí, tư duy tổng hợp, gắn với bản đồ, vừa có triết lí sâu xa, vừa gắn với thực tiễn sống động. Chúng tôi đã được nghe ông giảng nhiều giáo trình, trong đó giáo trình về "Các vấn đề cơ bản và hiện đại của địa lí học" với chiều sâu lí luận đã luôn dẫn dắt chúng tôi sau này. Ông cũng thường khuyên chúng tôi khi xây dựng các sơ đồ, lược đồ trong các sách giáo khoa là phải làm sao vạch ra được sơ đồ của tư duy khoa học. Sau này, có dịp lần giở những trang sách giáo khoa được ông góp ý, với những nhận xét ghi bằng bút chì, bút mực bên lề, tôi vẫn cảm nhận đang được ông chỉ bảo tận tình”.
Giáo sư Lê Bá Thảo là một nhà hoạt động xã hội rất tích cực. Nối tiếp công việc của GS. NGND Nguyễn Đức Chính và GS. NGND Trần Đình Gián, ông đã đóng vai trò là Trưởng ban vận động thành lập Hội Địa lí Việt Nam, và vào năm 1988, Hội Địa lí Việt Nam, một Hội nghề nghiệp trong Liên hiệp hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam đã được thành lập và Giáo sư được bầu là Chủ tịch Hội đầu tiên. Lúc đó, ông đã 65 tuổi. Ông đã giữ trọng trách này liền ba nhiệm kì.
Lần đầu tiên vấn đề tổ chức lãnh thổ được nhìn nhận theo cách tiếp cận chiến lược
Cụm công trình của GS Lê Bá Thảo được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010 bao gồm các công trình: Thiên nhiên Việt Nam (1977); Việt Nam: Lãnh thổ và các vùng địa lý (1998); Lê Bá Thảo: Những công trình địa lý tiêu biểu (2007).
Cuốn chuyên khảo "Việt Nam - lãnh thổ và các vùng địa lí" được Nhà xuất bản Thế giới xuất bản bằng bốn thứ tiếng (Việt, Anh, Pháp, Trung Quốc). Nhà xuất bản Thế giới đã chọn in bản tiếng Anh trước (năm 1997) và sau đó là các bản tiếng Việt, Pháp, Trung (1998, 1999). Công trình dày hơn 600 trang đã tổng kết toàn bộ quan điểm khoa học và thành tựu khoa học của Giáo sư. Nó thể hiện rõ sự phát triển trong con đường nghiên cứu khoa học của ông, từ chỗ là một nhà địa mạo, trở thành nhà địa lí tự nhiên tổng hợp và sau đó là nhà tổ chức lãnh thổ. Nó thể hiện ý chí phi thường của ông chống lại bệnh tật và tuổi tác để kịp hoàn thành công trình của đời mình. Tác phẩm này cũng thể hiện những trăn trở của Giáo sư trong việc thúc đẩy địa lí học trở thành khoa học kiến thiết. Các nhà địa lí sẽ còn được dịp chiêm nghiệm những dự báo của Giáo sư trong tác phẩm này. Công trình này đã sớm nhận được sự đánh giá cao ở trong nước và ngoài nước, nhất là ở Pháp và Mĩ.
Cuốn Thiên nhiên Việt Nam (được viết trong 3 năm 1974-1976) là cuốn sách độc đáo, rất cuốn hút người đọc. Thiên nhiên ở đây hoà quyện với con người và hoạt động sản xuất, cải tạo tự nhiên ở khắp mọi miền đất nước. Cuốn sách hấp dẫn bởi văn chương, nhưng đằng sau những mô tả sinh động là toàn bộ tính quy luật trong phân hoá lãnh thổ tự nhiên nước ta. Cuốn sách được hoàn thành trong khí thế hào hùng của đất nước thống nhất sau hàng chục năm chiến tranh, và để hoàn thành chuyên khảo này, ông đã có những chuyến công tác hàng tháng dài ở miền đất phía Nam để cập nhật thông tin. Đọc sách, nhưng người đọc đang cảm nhận vẻ đẹp của đất nước, những vấn đề của sử dụng tự nhiên,... bằng đủ các giác quan của mình: giữa các dòng chữ là màu sắc, âm thanh, rất chắt lọc qua lăng kính riêng của tác giả.
Cụm công trình có những thành tựu khoa học đặc biệt xuất sắc: đã tổng kết và đánh giá một cách toàn diện và đúng đắn tiềm năng của đất nước Việt Nam (về tự nhiên, dân cư, các hoạt động kinh tế), đặt cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới; có giá trị khoa học rất cao về lý luận, phương pháp luận địa lý hiện đại; có những đóng góp to lớn về lý luận tổ chức lãnh thổ, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam (lần đầu tiên ở nước ta vấn đề tổ chức lãnh thổ được nhìn nhận theo cách tiếp cận chiến lược).
Cụm công trình đã có những đóng góp to lớn trong thực tế: đã xác định được các cực phát triển và các tuyến trọng điểm cho cả nước và mỗi vùng lãnh thổ, làm bộ khung cho việc tổ chức lãnh thổ; đã đánh giá lại và phát hiện những đặc tính, thế mạnh, những hạn chế và những điểm chưa hợp lý trong phát triển các vùng lãnh thổ, đồng thời đã đề xuất những định hướng chiến lược và những giải pháp cụ thể về tổ chức lãnh thổ để phát triển kinh tế-xã hội trên quy mô cả nước và các vùng địa lý; đã thực sự phát huy tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học địa lý, kinh tế, văn hoá-xã hội cũng như trong sự nghiệp giáo dục đào tạo của đất nước.
Hương Hạnh