Những kết quả trong việc tìm kiếm dược liệu nguồn gốc từ thực vật có khả năng hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư rất tích cực. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng họ cần được hỗ trợ về nhiều mặt để việc nghiên cứu tốt hơn.
Kết quả đáng khích lệ
Sau nhiều năm nghiên cứu, đến năm 2010, lần đầu tiên các nhà khoa học Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam đã phát hiện hàng trăm hợp chất, trong đó có những hợp chất mới, chứa hoạt tính chống ung thư, kháng sinh. Đây là những nguyên liệu phục vụ cho các nghiên cứu sâu về dược lý nhằm tạo ra sản phẩm điều trị bệnh hiểm nghèo từ chính các cây, con trên biển.
Trong hơn 4 năm, với 405 mẫu sinh vật biển được thu thập, các nhà khoa học đã tiến hành sàng lọc hoạt tính sinh học của một số loài hải miên, hải sâm. Họ đã nghiên cứu sâu về thành phần hóa học các hợp chất của một số loài có triển vọng theo định các hướng chống ung thư và kháng sinh.
Từ năm 2004, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu - Ứng dụng công nghệ Nha Trang (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) do TS Bùi Minh Lý đứng đầu đã tiến hành nghiên cứu Fucoidan và công nghệ sản xuất chúng từ rong nâu theo định hướng dược liệu. Kết quả đạt được cho thấy Fucoidan từ rong nâu thể hiện hoạt tính kháng lại tế bào ung thư ở người, ức chế sự phát triển đối với các tế bào ung thư khác nhau.
Đến năm 2011, một nhóm các nhà nghiên cứu gồm thạc sĩ Từ Đức Dũng - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, dược sĩ Phan Đức Bình cùng các cộng sự đã phát hiện loài cây an điền đầu nhỏ (Hedrotis Microcephala) mọc tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập - Bình Phước. Kết quả phân tích bằng kỹ thuật hiện đại với máy phổ tại Viện Hóa học Việt Nam cho thấy cây an điền đầu nhỏ có chứa acid ursolic, một chất có tác dụng kháng các dòng tế bào ung thư cổ tử cung, dạ dày, ruột kết, phổi, da; chống sỏi mật và tái tạo tế bào gan. Phát hiện này rất quan trọng, đem lại khả năng tinh chế chất acid ursolic để sản xuất thuốc điều trị hỗ trợ một số bệnh ung thư.
Mới đây, các nhà khoa học thuộc Phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên đã nghiên cứu bào chế thành công một loại thực phẩm chức năng mới từ nấm hầu thủ, còn có tên gọi là Heriglucan. Đây là kết quả của một loạt đề tài nghiên cứu trong nhiều năm về các chất có hoạt tính sinh học từ nấm ăn và nấm dược liệu của Phòng Sinh học thực nghiệm do PGS-TS Lê Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Hóa học, làm chủ nhiệm. Loại thực phẩm chức năng mới này chứa các nhóm chất có hoạt tính sinh học được tách chiết từ nấm hầu thủ theo công nghệ sạch như Hericenone và Erinacin, trong đó Erinacine H có hoạt tính kháng ung thư, tăng cường miễn dịch.
PGS-TS Lê Mai Hương cho biết các hợp chất thiên nhiên, thực phẩm chức năng Heriglucan từ nấm hầu thủ có khả năng tăng cường hệ miễn dịch; tăng trí nhớ, phòng chống bệnh Alzheimer; chống lão hóa, làm đẹp da và tóc; tăng cường sức khỏe sau phẫu thuật, chống phóng xạ; hỗ trợ phòng và điều trị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là gan và dạ dày.
Còn nhiều khó khăn
Những thành quả trên rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, thạc sĩ Từ Đức Dũng cho biết các nhà khoa học còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác nghiên cứu. Các loài thực vật có chứa chất hỗ trợ điều trị ung thư sống ở những vùng rừng núi hẻo lánh, việc phát hiện ra chúng là rất khó, phải lặn lội nhiều ngày để tìm kiếm. Ngoài ra, cần phải tìm cách bảo vệ, bảo tồn các loài thực vật đã được phát hiện để sử dụng lâu dài, tránh tình trạng bị khai thác cạn kiệt như trường hợp cây xáo tam phân mới đây ở Ninh Hòa - Khánh Hòa. Bên cạnh đó, các thiết bị nghiên cứu rất thiếu thốn; việc hỗ trợ sau nghiên cứu để thương mại hóa sản phẩm cũng rất hạn chế.
Tại hội thảo “Định hướng phát triển khối tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc giai đoạn 2012-2015”, TSKH Nguyễn Minh Khởi, Viện trưởng Viện Dược liệu Trung ương, cho rằng việc nghiên cứu nguồn nguyên liệu làm thuốc từ thực vật còn khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất và cả nguồn nhân lực. Do đó, cần đẩy mạnh việc quản lý tài nguyên, nhân giống, chế biến, xây dựng mô hình trồng dược liệu, công tác tư vấn... Ngoài ra, cần sớm ban hành các quy trình, quy phạm, bảo hộ và xuất bản sách chuyên khảo để phổ biến về công tác phát triển dược liệu.
Gần đây, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới, nhiều nhất là ung thư phổi, vú và bạch cầu.