Vừa qua, tại Sở KH&CN tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị nghiệm thu 2 dự án “Xây dựng mô hình thâm canh cam, quýt tại huyện Ba Bể”, dự án “Xây dựng hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn”.
Dự án do Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) chủ trì thực hiện.
Sau 3 năm triển khai thực hiện cơ quan chủ trì dự án “Xây dựng mô hình thâm canh cam, quýt tại huyện Ba Bể” đã theo dõi, tuyển chọn được 20 cây quýt đầu dòng đạt 200% kế hoạch để làm vật liệu nhân giống; Xây dựng được vườn ươm giống quýt tại huyện Ba Bể và Viện Nghiên cứu Rau quả; Xây dựng được mô hình trồng mới 20 ha Cam, Quýt tại 4 xã Cao Trĩ, Thượng Giáo, Địa Linh, Yến Dương, cây sau khi trồng sinh trưởng phát triển tốt đến nay đã bắt đầu bói quả; Tổ chức được 4 lớp tập huấn với 120 lượt hộ nông dân tham gia...
Đối với dự án “Xây dựng hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn” đã tiến hành điều tra, khảo sát để xác định được danh tiếng, nguồn gốc lịch sử, quá trình phát triển phân bố của cây Quýt Bắc Kạn, cùng với đó đã xác định được các yếu tố ngoại cảnh như yếu tố con người, phong tục tập quán canh tác, đất đai, nhiệt độ, khí hậu đặc biệt bằng các hội nghị thử nếm, so sánh, phân tích trong phòng thí nghiệm dự án đã đánh giá được tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm quýt Bắc Kạn; Xác định được khu vực Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn bằng bản đồ và từ ngữ; Xây dựng được được Quy chế quản lý, sử dựng Chỉ dẫn Địa lý “Bắc Kạn” cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn; Thiết kế Logo, xây dựng được bộ hồ sơ để nộp và theo đuổi đơn tại Cục Sở hữu trí tuệ kết quả đã được cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 2839/QĐ-SHTT ngày 14.11. 2012 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn Địa lý số 00033 cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn và Uỷ ban nhân dân tỉnh đã tổ chức Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ vào ngày 29.12.2012 đã khẳng định giá trị của Quýt Bắc Kạn, đồng thời góp phần tích cực vào việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm từ đó nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.
Tuy nhiên, đối với dự án “Xây dựng mô hình thâm canh cam, quýt tại huyện Ba Bể” các thành viên Hội đồng đề nghị chủ nhiệm, cơ quan chủ trì cần bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ cây sống, thời gian từ khi trồng đến khi bói quả, cập nhật thêm các số liệu mới, phần đánh giá hiện trạng cây Cam, Quýt Bắc Kạn cần cụ thể và sâu hơn, làm rõ nguồn gốc giống Quýt Bắc Kạn... Dự án “Xây dựng hồ sơ đăng ký Chỉ dẫn Địa lý cho sản phẩm Quýt Bắc Kạn” cần biên tập lại báo cáo theo đúng mẫu quy định, việc dùng từ cần chính xác hơn, bổ sung thêm tình hình khí tượng, thủy văn, thổ nhưỡng qua các năm...đã tạo nên tính chất đặc thù của sản phẩm, phần hiệu quả kinh tế - xã hội, kết luận, khuyến nghị cần cụ thể hơn, phần tình hình nghiên cứu ở nước ngoài cần viết rõ ràng...
Q. Hoa