Sau 5 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ( Bộ Khoa học và Công nghệ).
Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong 5 năm triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011- 2015?
Ông Phan Ngân Sơn: Với vai trò điều phối của Cục Sở hữu trí tuệ và sự hợp tác chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ, áp dụng thực tiễn 11 sáng chế; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho 09 trường đại học và viện nghiên cứu; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; hỗ trợ thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng.
Hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ cũng đã được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương. Đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và triển khai Chương trình riêng của địa phương mình, góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh và tiềm năng vùng, miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Với mục tiêu góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam trong đó ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm chiến lược, đặc thù, có tiềm năng xuất khẩu, Chương trình đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Ông?
Ông Phan Ngân Sơn: Trong giai đoạn 2011-2015, Chương trình đã đẩy mạnh việc hỗ trợ bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, có 110 dự án loại này được phê duyệt cho triển khai, chiếm 51,64% tổng số dự án thuộc Chương trình. Thông qua việc hỗ trợ từ Chương trình, các sản phẩm đã được nhà nước bảo hộ sở hữu trí tuệ, các hiệp hội ngành nghề được thành lập để quản lý, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ việc thiết kế, in ấn tem nhãn, bao bì, hệ thống nhận diện, xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, khai thác, bảo quản sản phẩm.
Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ, giá trị sản phẩm đã gia tăng rõ rệt như sản phẩm cam Vinh đã tăng lên hơn 50% sau khi chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý; giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cao hơn từ 1,7 - 2 lần các sản phẩm cùng loại không có bao bì. Sản phẩm su su Sa Pa, sau khi được bảo hộ đã được các bạn hàng từ Trung Quốc yêu cầu đóng bao bì và gắn logo nhãn hiệu tập thể vào trước khi đưa xuất khẩu. Đây là tín hiệu tích cực vì từ trước đến nay, khách hàng Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu sản phẩm thô, không cần nhãn mác. Cam Cao Phong đã tăng gần 50% giá trị ngay sau khi công bố chỉ dẫn địa lý.
Địa phương muốn có nhãn hiệu để bảo hộ cho sản phẩm nông sản đặc trưng của mình nhưng khi có nhãn hiệu rồi lại chưa thể phát triển được như kỳ vọng với nhiều lý do. Vậy phía Cục Sở hữu trí tuệ có giải pháp như thế nào cho tình trạng này?
Ông Phan Ngân Sơn: Để góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, thời gian qua, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm. Nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ, quản lý quyền sở hữu trí tuệ, giá trị sản phẩm đã gia tăng đáng kể như nước mắm Phú Quốc, cam Cao Phong, thanh long Bình Thuận... Tuy nhiên, nhiều sản phẩm sau khi được bảo hộ chưa phát huy được giá trị, sản phẩm chưa thể phát triển như kỳ vọng.
Theo chúng tôi, để khắc phục được tình trạng nêu trên, chúng ta cần phải tiếp tục tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết, thói quen và ưu tiên sử dụng sản phẩm được bảo hộ. Tuyên truyền, hướng dẫn nhà sản xuất, người dân sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm đúng quy trình công bố, quy định có liên quan. Đồng thời, tổ chức sản xuất quy mô thương mại, áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Cùng với đó là thực hiện việc liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp và nhà sản xuất để đưa sản phẩm ra thị trường; Tăng cường quản lý sử dụng tài sản trí tuệ, ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Việt Nam hiện có 43 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, phần lớn là nông sản, đứng thứ hai sau Thái Lan ở khu vực ASEAN. Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đồng thời ở phía cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, ông đánh giá như thế nào về vai trò và tầm quan trọng của các chỉ dẫn địa lý đối với việc phát triển sản phẩm?
Ông Phan Ngân Sơn: Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Như vậy, chỉ dẫn địa lý là thuật ngữ chỉ ra mối quan hệ giữa giá trị đặc thù của sản phẩm/dịch vụ mang địa danh địa lý gắn liền với điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực, hoặc với những kỹ năng sản xuất đặc biệt mà các sản phẩm, dịch vụ cùng loại khác nằm ngoài khu vực địa lý không có được. Kinh nghiệm thế giới và thực tiễn của Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của chỉ dẫn địa lý: Với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo rằng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có được chất lượng nhất định theo phương pháp sản xuất truyền thống hoặc có được uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền. Chính vì lý do này, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng, và do vậy thường mang tính cạnh tranh cao hơn các sản phẩm mang nhãn hiệu thông thường; là công cụ phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững thông qua khai thác các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt của nông thôn; là giải pháp chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường (hàng giả, hàng nhái), giúp phân biệt được một sản phẩm theo những tiêu chí chất lượng đặc biệt liên quan tới cộng đồng có nguồn gốc địa lý và phương pháp sản xuất, sử dụng riêng; Giúp tổ chức sản xuất của một khu vực bằng cách xác định chỉ tiêu cơ bản để tăng các giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện tiếp thị và thâm nhập vào bất kỳ thị trường nào.
Ngoài ra, việc bảo hộ và khai thác chỉ dẫn địa lý, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý góp phần đa dạng hóa sản xuất, bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo tồn các kiến thức bản địa dựa vào nguồn lợi tự nhiên, xây dựng các giá trị di sản của nhân loại.
Bài, ảnh: Đăng Minh