Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả triển khai của chương trình giai đoạn 2005 - 2010 và bổ sung vào một số nội dung cho phù hợp với định hướng và yêu cầu phát triển KHCN giai đoạn mới. Với 212 dự án được hỗ trợ và triển khai (tính đến tháng 8.2013), chương trình được đánh giá cao trong việc triển khai đúng mục tiêu, nội dung và đã đạt được những kết quả tích cực đối với đời sống kinh tế xã hội.
Chuyển biến tích cực
Theo Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) Tạ Quang Minh, chương trình đã tạo ra những chuyển biến tích cực và có tác động rõ rệt đối với đời sống xã hội tại Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về bảo hộ SHTT; góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, dịch vụ.
Chương trình với 8 nội dung chính gồm: Tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ; thành lập và đưa vào hoạt động các tổ chức hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xác lập, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý kết quả, sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao giá trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ khai thác thông tin KH&CN, sở hữu trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các sáng chế nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình, hoạt động về bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Theo báo cáo của các sở KHCN, đến nay có 28 tỉnh/thành phê duyệt và thực hiện chương trình riêng, sử dụng nguồn kinh phí địa phương và kinh phí huy động từ các nguồn khác để xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ của mình.
Tính đến hết tháng 8.2013, 34 dự án trung ương quản lý được đánh giá và nghiệm thu gồm 16 dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý; 9 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận; 8 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, 61 dự án do Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý đã kết thúc, việc đánh giá, nghiệm thu các dự án này do sở KHCN cấp tỉnh, thành phố tổ chức.
Theo Cục SHTT, chỉ tính riêng số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đơn đăng ký nhãn hiệu của nhiều địa phương đã tăng lên 33 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được bảo hộ.
Tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa
Sơn La là địa phương có nhiều sản phẩm nông sản nổi tiếng, tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này vẫn chưa được thị trường và người tiêu dùng biết đến nên chưa phát huy được giá trị kinh tế. Sở KHCN tỉnh được Bộ KHCN giao triển khai thực hiện dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả xoài tròn Yên Châu; chè Shan tuyết (Mộc Châu); mật ong Sơn La...
Đối với sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thủ công mỹ nghệ, theo Bộ NNPTNT, tính đến 8.2013, chương trình đang bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 93 lượt sản phẩm. Nhận định về hiệu quả chương trình, đại diện Vụ KHCN thuộc Bộ NNPTNT Nguyễn Thị Phúc cho biết, chương trình đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong vùng dự án, được thể hiện qua các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam đã được bảo hộ như: Nước mắm Phú Quốc, thanh long Bình Thuận, hoa Đà Lạt, hồi Lạng Sơn, bưởi Đoan Hùng,...
Phó Giám đốc Sở KHCN Bùi Quang Minh đánh giá, các sản phẩm sau khi được bảo hộ đã tạo ra giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể, dự án xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Đông Triều cho sản phẩm gốm sứ của huyện Đông Triều tăng lên 10% giá trị sản phẩm so với trước, ngoài ra, dự án xây dựng chỉ dẫn địa lý Vân Đồn cho sản phẩm sá sùng, mật ong Tiên Yên,... đã mang lại giá trị kinh tế cho từng sản phẩm được bảo hộ.
Sau gần 3 năm triển khai, các đơn vị chủ trì thực hiện dự án thuộc chương trình có sự dịch chuyển lớn. Nếu như đơn vị chủ trì thuộc chương trình giai đoạn 2005-2010, các sở KHCN chiếm trên 80% thì trong giai đoạn này đã có sự đa dạng về loại hình và đến từ nhiều lĩnh vực, cơ quan, đơn vị khác nhau.
Điều này cho thấy sự lan tỏa nhanh, mạnh của chương trình đối với các ngành nghề cũng như giúp cho các doanh nghiệp chủ động trong việc tạo dựng, xác lập, phát triển và bảo vệ quyền SHTT của mình phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh.