Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước vừa tiến hành nghiệm thu Dự án Xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang. Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hậu Giang là đơn vị chủ trì dự án.
Trong tự nhiên, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), cá thát lát bị khai thác quá mức dẫn đến ngày càng cạn kệt. Dự án được thực hiện nhằm nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá thát lát trên thị trường, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu
Dự án triển khai nhằm xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang – dùng cho sản phẩm cá thát lát Hậu Giang cũng như xây dựng hệ thống tổ chức quản lý và các văn bản phục vụ cho việc quản lý sản phẩm cá thát lát. Dự án này góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Thành công của dự án đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội về nguồn thực phẩm chất lượng cao…
Sau gần 3 năm thực hiện, dự án đã hoàn thành các mục tiêu, nội dung đề ra và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp nhãn hiệu chứng nhận cá thát lát Hậu Giang dùng cho sản phẩm cá thát lát của tỉnh Hậu Giang.
Kết quả thành công của dự án sẽ là mô hình mẫu cho việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận để nhân rộng thêm một số mô hình sản phẩm hàng hóa truyền thống của Hậu Giang trong thời gian tới.
Cá thát lát có phân bố phổ biến ở vùng ĐBSCL và Tây Nguyên. Khu vực ĐBSCL là nơi có điều kiện địa lý phù hợp cho loài cá này sinh sản và phát triển. Là loài cá ăn tạp, nghiêng về thức ăn có nguồn gốc động vật, cá có thịt dai và ngon, phù hợp để làm các món ăn đặc sản cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tin, ảnh: Ngũ Hiệp