Từ một thợ sửa xe máy, anh Bùi Sỹ Tới (thôn Trung Tâm, xã Nậm Búng, H.Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã chế tạo ra những chiếc máy cày mini giúp bà con nông dân tiết kiệm rất nhiều sức lực, thời gian canh tác, nhất là ở địa hình đồi núi.
Chúng tôi tìm gặp anh Tới sau khi vượt hàng trăm cây số từ TP.Yên Bái về xã nghèo Nậm Búng. Mới chỉ học hết lớp 7, trước khi chế tạo máy cày mini, anh Tới là thợ sửa xe máy. Giờ anh đã là chủ một xưởng sản xuất máy cày mini với diện tích 160 m2, có 8 thợ lành nghề, xưởng sản xuất liên tục mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Anh Tới chia sẻ: “Nhiều lần quan sát người dân quê mình cực nhọc di chuyển chiếc máy cày nặng gần 2 tạ lên các thửa ruộng bậc thang, mỗi lần phải có 6 - 7 người cùng hợp sức mới di chuyển được, lòng tôi thôi thúc mong muốn chế tác được máy cày nhẹ hơn, tiện lợi hơn cho bà con khi sử dụng”.
Nghĩ rồi làm, anh Tới bắt tay ngay vào chế tạo máy. Ban đầu, anh phải tự mày mò, tận dụng mọi vật liệu có sẵn trong nhà, từ những đồ cũ của xe máy. “Nhiều đêm đang ngủ, tôi bật dậy mang máy ra hàn, gõ làm cả nhà mất ngủ. Ban đầu, đưa máy ra chạy thử nhưng ốc vít, mối hàn bị long ra. Về nhà, tôi lại loay hoay ngồi hàn lại, sau nhiều lần chạy thử, chiếc máy đã vận hành như ý muốn”, anh Tới nói.
Anh Tới cho hay, để bà con trong xã chấp nhận sản phẩm, anh đã phải đi cày “khuyến mại” cho bà con ở 3 bản Gia Hội, Tú Lệ và Nậm Búng. Có nhà được cày giúp hết tất cả ruộng, thấy hiệu quả mới bắt đầu chung với nhà khác mua máy cày. Mãi đến năm 2013, những chiếc máy cày do anh tự chế mới thâm nhập được vào thị trường. Để bán được một chiếc máy cày có giá từ 8 - 12 triệu là việc rất khó, vì vậy, anh Tới chọn cách lấy công làm lãi: chế từ động cơ xe máy cũ của họ mang đến và bán với giá 6 triệu đồng. Dần dần, người dân dùng nhiều hơn. Đến nay, nông dân nhiều tỉnh như Sơn La, Lào Cai, Phú Thọ, Thanh Hóa… đều biết đến máy của anh và đặt mua.
Anh Bàn A Ton, bản Nậm Pươi, xã Nậm Búng, sử dụng máy đã được một năm, nhận xét: “Từ ngày có cái máy nhỏ này, một mình tôi có thể mang lên ruộng bên kia đồi, không cần đi 6 người cùng giúp sức như trước. Trước kia dùng máy cày to đi thuê mượn, cũng mất 4 - 5 ngày, giờ chỉ mất một ngày là cày xong, mà lại tốn ít xăng”. Ông Nguyễn Văn Toán, trưởng thôn Trấn Hưng Ba, xã Nậm Búng cũng nói: loại máy này gọn nhẹ, rất phù hợp với ruộng bậc thang, trọng lượng chỉ 85 kg nên rất tiện cho việc canh tác các thửa ruộng vùng đồi núi.
Theo anh Tới, hiện mỗi tháng trung bình xưởng của anh sản xuất 30 máy cày mini, làm ra đến đâu bán hết đến đó. “Tới đây tôi định cải tiến, chế tạo ra những chiếc máy xới cỏ, vun đất, phun thuốc từ động cơ xe máy để giúp bà con giảm công lao động, bớt độc hại từ hóa chất”, anh Tới chia sẻ, và bày tỏ mong muốn Nhà nước có cơ chế cho vay vốn ưu đãi để anh mở rộng xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc tốt hơn.
Chủ tịch xã Nậm Búng Phạm Bá Dư cho hay: “Thời tiết mùa đông trên này rất lạnh, sương mù, sương muối phủ trắng đồi nên người dân không thể mang trâu lên đồi để cày, có năm bị chậm thời vụ. Từ ngày có máy cày mini, bà con trong xã không còn lo gieo cấy muộn. Tới đây, xã sẽ hỗ trợ anh Tới làm thủ tục đăng ký với Nhà nước về quyền sáng chế, tạo điều kiện tốt nhất để anh Tới có thể nghiên cứu sáng chế ra những sản phẩm hoàn hảo hơn để phục vụ trong nông nghiệp”.